Hút thuốc lá gây nên những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút thuốc trực tiếp và những người sống trong môi trường có khói thuốc lá.
Đặc biệt đối với trẻ em, việc hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe bởi ở trẻ em phổi chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.
Bé con của chị P.H.M. (trú huyện Cư Kuin) mới 19 tháng tuổi song đã hai lần phải nhập viện điều trị dài ngày vì bệnh viêm phổi. Chị M. cho hay: “Chồng tôi có thói quen hút thuốc lá và thường xuyên hút trong nhà, nhất là mỗi lần nhà có khách. Từ khi con bị bệnh về đường hô hấp, tôi luôn vận động chồng mình bỏ thuốc hoặc khi hút thì ra ngoài sân, mới hút xong thì không bế con. Thấy tác hại của thuốc lá, chồng tôi đang cố gắng bỏ thuốc lá, dù rất khó khăn vì tính chất công việc và thời gian nghiện thuốc lá đã hơn 20 năm”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là Nicotin. Theo phân tích của các chuyên gia y tế, khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra 4 dòng khói thuốc chính gồm: khói thuốc do người hút thuốc lá hút trực tiếp vào cơ thể (dòng khói chính); khói thuốc cháy ở đầu điếu thuốc lá tỏa ra môi trường; luồng khói do người hút thuốc hút vào và thở ra môi trường; tàn dư của khói thuốc lá lơ lửng trong môi trường sau khi hút thuốc lá. Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại khói còn lại (dòng khói phụ). Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có nhiều chất gây ung thư hay chất độc hại. Do đó, người hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra cũng phải chịu những tác hại nghiêm trọng không kém so với người hút thuốc. Khi hít khói thuốc lá thụ động, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), ở nhiều gia đình hiện nay, nam giới có thói quen hút thuốc và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc trực tiếp như: ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch… Trong đó, trẻ em, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ em như ngộ độc Nicotin, trẻ bị các cơn dị ứng, viêm đường hô hấp, hen suyễn, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Việc hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. Bà mẹ có thai nếu hút thuốc hoặc hút thuốc lá thụ động sẽ khiến trẻ sinh ra nhẹ cân, dị tật sứt môi hở hàm ếch, ảnh hưởng hệ thần kinh, thậm chí sảy thai.
Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá, mọi người cần chung tay loại trừ thuốc lá ra khỏi cộng đồng. Các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là thực hiện kiên quyết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở nơi công cộng, khu vực cấm hút thuốc lá. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của thuốc lá; khi hút thuốc lá phải tránh xa trẻ em. Đối với nhà trường, cần giáo dục học sinh nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe trước tác hại của thuốc lá. Mỗi thành viên trong gia đình nên tích cực khuyên người thân từ bỏ thuốc lá, đặc biệt không hút thuốc trước mặt trẻ em, để cho con trẻ có được môi trường sống an toàn nhất.
Thu Huế – Mai Lê