Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hơn 90% ca ung thư phổi, 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do thuốc lá gây nên. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ lớn nhất đe dọa đến sức khỏe của con người ở các nước đang phát triển và có thể gây ra các loại bệnh khác nhau như ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch…
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người/năm nếu các biện pháp can thiệp hiệu quả bao gồm tăng thuế thuốc lá không được thực hiện một cách hiệu quả. Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất và đứng hàng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippin.
Các chuyên gia y tế khẳng định, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng mà còn ảnh hưởng đến đối tượng hút thuốc lá thụ động, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Thực tế cho thấy, ở nhiều gia đình hiện nay, nam giới có thói quen hút thuốc và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc trực tiếp như: ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch… Trong đó, trẻ em, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Các nghiên cứu y tế đã chỉ ra rằng, hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ em như ngộ độc Nicotin, trẻ bị các cơn dị ứng, viêm đường hô hấp, hen suyễn, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Việc hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ.
Đối với phụ nữ mang thai, trực tiếp hút thuốc lá hay hút thuốc thụ động đều ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của thai nhi. Hút thuốc lá sẽ làm giảm oxy huyết trong bào thai và lượng máu đến tử cung. Đồng thời, làm giảm axit amin qua nhau thai tới bào thai và gây ra bất thường ở màng của nhau thai. Phụ nữ càng hút thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai thì cân nặng của trẻ sinh ra càng thấp. Cân nặng của trẻ thấp hơn mức trung bình xấp xỉ 200-250g so với trẻ mới sinh của phụ nữ không hút thuốc và khi trẻ được sinh ra, cân nặng sẽ ít hơn 2.500g. Những trẻ sơ sinh này sẽ được gọi là “nhẹ cân khi sinh”, có thể phải chịu các ảnh hưởng xấu, bao gồm các vấn đề về sức khỏe lúc mới sinh, đẻ non và chết khi mổ.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 – 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc lá.
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá, mọi người cần chung tay loại trừ thuốc lá ra khỏi cộng đồng. Các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là thực hiện kiên quyết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở nơi công cộng, khu vực cấm hút thuốc lá. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của thuốc lá; khi hút thuốc lá phải tránh xa trẻ em. Đối với nhà trường, cần giáo dục học sinh nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe trước tác hại của thuốc lá. Mỗi thành viên trong gia đình nên tích cực khuyên người thân từ bỏ thuốc lá, đặc biệt không hút thuốc trước mặt trẻ em, để cho con trẻ có được môi trường sống an toàn nhất.
Phương Anh