Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp…
Không nằm ngoài xu hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang dành sự quan tâm và tích cực tham gia vào cuộc chạy đua này. Năm 2021, Việt Nam mới chỉ ghi nhận khoảng 60 dự án khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI. Thế nhưng, sau 3 năm, con số này đã tăng lên 278, tức gấp khoảng 4,5 lần.
Môi trường thuận lợi
“Tận dụng lợi thế trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định AI là công nghệ có tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Đây là nhận định được các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh tại sự kiện GenAI Summit 24 về trí tuệ nhân tạo. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI) Rethink Healthcare Foundation (RHF), cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại học Fulbright phối hợp tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.
Minh chứng cho nhận định này là thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup… để có thể đón đầu “cơn bão” AI. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trí tuệ nhân tạo và các dự án ứng dụng AI không chỉ thu hút sự quan tâm, đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới.
Theo số liệu từ nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn, hiện nay Việt Nam có khoảng 278 dự án khởi nghiệp về lĩnh vực AI, tức cao gấp khoảng 4,5 lần so với năm 2021. Trong khi đó, theo thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023 Việt Nam có khoảng 3.800 dự án khởi nghiệp. Điều này cho thấy số lượng dự án khởi nghiệp từ AI hiện đang chiếm gần 10% tổng số lượng các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong vài năm qua. Yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp phát triển là tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi.
Nền kinh tế ổn định, hệ sinh thái phát triển nhanh chóng, môi trường khởi nghiệp thuận lợi, chi phí thấp và sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và các doanh nghiệp lớn đã tạo điều kiện cho các startup về AI phát triển.
Tận dụng các thế mạnh
Dù còn nhiều tranh cãi song không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể mà AI đem lại, như giúp doanh nghiệp tự động hóa nhiều tác vụ, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vận hành.
Ngoài ra, bằng việc sử dụng AI, các công ty khởi nghiệp cũng có thể hiểu rõ hơn xu hướng thị trường, hành vi, thói quen của khách hàng, từ đó đem lại hiệu suất kinh doanh cao. Không những vậy, việc tích hợp AI vào sản phẩm cũng tạo được sự mới mẻ, tiên tiến, hấp dẫn. Qua đó thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhận thức được điều đó, anh Phạm Anh Huy (30 tuổi, quận Hai Bà Trưng) từng là lập trình viên tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã nắm bắt thời cơ và quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Anh Huy đánh giá, Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân sự trẻ dồi dào, nhiệt huyết và chăm chỉ.
“Thiếu nhân lực đang trở thành bài toán khó có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao. Trong bối cảnh này, đây lại là cơ hội cho Việt Nam. Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ và được đào tạo bài bản, lợi thế về con người là yếu tố quan trọng để đưa ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đi lên. Cần phải nắm bắt và tận dụng lợi thế”, Phạm Anh Huy phân tích.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, nếu muốn ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo phát triển, Chính phủ cần có những chính sách tạo điều kiện thiết thực cho họ, ví dụ hỗ trợ thuê văn phòng với giá rẻ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tiên tiến với mức giá phải chăng…
“Theo tìm hiểu của tôi, tỷ lệ thất bại của các dự án khởi nghiệp nói chung và lĩnh vực AI trên toàn thế giới là rất lớn. Tuy không có những cam kết chính thức nhưng mong Nhà nước hãy cứ ủng hộ đam mê khởi nghiệp của những người trẻ tuổi như chúng tôi.
Đồng thời, đầu tư cho hướng lựa chọn phát triển của lớp trẻ thông qua việc tiếp tục chú trọng đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Sâu xa hơn đây chính là đầu tư cho sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật của cả đất nước. Bởi thành công của dự án khởi nghiệp đồng thời cũng là thành tựu của Việt Nam, tạo ra sức mạnh mới cho công nghệ quốc gia”, anh Phạm Anh Huy chia sẻ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất nhanh nhạy trong làn sóng công nghệ hiện đại. Điều này được thể hiện rõ nét từ số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng. Trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ có những bước tiến mới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội của nước nhà.
Theo báo cáo của công ty đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số Thundermark Capital, Việt Nam hiện đang nằm trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Thành tích này đưa Việt Nam trở thành một trong hai đại diện của Đông Nam Á, cùng với Singapore góp mặt trong bảng xếp hạng tầm quốc tế.
Hà Trang