Những năm gần đây, nhiều người dân, du khách đã tìm đến chinh phục núi Tà Giang (thuộc xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) để chiêm ngưỡng cảnh sắc hoang sơ nơi thảo nguyên xanh ngút ngàn. Băng qua những vạt rừng nguyên sinh, lội qua những con suối đá, vượt qua những con dốc…, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp.
Xuyên rừng, vượt suối
Cuối tuần qua, chúng tôi theo chân đoàn trekking (đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên) chinh phục thảo nguyên Tà Giang trong 2 ngày 1 đêm. 5 giờ sáng, xe xuất phát từ TP. Nha Trang di chuyển lên xã Thành Sơn để bắt đầu hành trình. Theo người dân địa phương, để đến với thảo nguyên Tà Giang, ngoài đi từ xã Thành Sơn lên, du khách có thể đi theo cung đường từ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) xuống. Anh Trần Hữu Nghĩa (ở Nha Trang) chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm và chinh phục một số ngọn núi trong tỉnh như: Cô Tiên, Hoàng Ngưu Sơn… Trong một lần được bạn bè giới thiệu về Tà Giang, thấy cảnh đẹp nên thơ nên tôi quyết tâm trải nghiệm. Với cung đường này, khó đi nhất là đoạn men theo suối, có nhiều đá, trơn trượt nên trước khi đi cần rèn luyện thể lực tốt. Theo tôi, với những bạn thích xê dịch, khám phá thiên nhiên thì đây là địa điểm đáng để thử sức”.

Với sự hướng dẫn của anh Cao Văn Bặng – người dẫn đường kiêm porter (người khuân vác), cả đoàn bắt đầu hành trình đi bộ, leo núi, vượt suối đá. Điểm chúng tôi đến là khu vực nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Cung đường trekking là hành trình men theo dòng sông Khế lên đến đồi cao. Cả cung đường đi và về dài khoảng 23km là thử thách thú vị đối với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên. Thời gian đi tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm; còn từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa mưa nên nước sông lớn, không thể đi lại. Cả đoàn đi men theo dòng sông Khế – ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, len lỏi trên con đường mòn, vừa đi vừa nghe tiếng nước róc rách như một bản nhạc êm dịu bên tai. Mùa này, nước sông không quá sâu nhưng vẫn có nhiều đoạn chảy xiết nên khi băng qua người đi phải cẩn thận vì có nhiều đá đủ mọi kích cỡ nằm bên dưới, có những đoạn phải đi hoàn toàn trên đá nên cần phải quan sát kỹ khi bước. Khoảng 6km ban đầu, du khách sẽ nhiều lần băng qua những con suối mát rượi, nước trong veo có thể thấy cả đáy. Có những đoạn suối chảy thành hồ bơi tự nhiên để du khách có thể tắm thỏa thích, đắm mình thư giãn trong làn nước mát lạnh.
Hòa mình vào thiên nhiên
Giữa chặng đường đi có một lán trại nhỏ của người dân địa phương bày bán các loại nước giải khát phục vụ nhu cầu của du khách. Nếu không mang đủ nước, bạn có thể ghé mua những loại nước đóng chai có sẵn tại đây. Sau đó, tiếp tục băng qua những vạt rừng xanh, tìm hiểu các loại cây; ngắm nhìn và chụp hình với những cây cổ thụ, rừng lồ ô lãng mạn… Sau khi vượt qua con dốc cuối cùng, du khách sẽ tới địa điểm cắm trại. Thảo nguyên Tà Giang hiện ra xanh mướt tựa như một bức tranh tuyệt đẹp. Bãi cắm trại nên thơ, lãng mạn, nằm ở giữa thung lũng, được bao bọc bởi màu xanh của cỏ cây, núi non và bầu trời. Tại đây, có dịch vụ cho thuê lều ngủ, phục vụ ăn uống, nước tắm… Buổi tối, trời rất lạnh nên cần chuẩn bị quần áo ấm để mặc.

Ở đây không có sóng điện thoại, không wifi, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, ngắm hoàng hôn, đón bình minh và thưởng thức những món ăn do chính người dân địa phương chế biến. Thảm thực vật xanh tươi, suối đá trong lành, thảo nguyên mênh mông đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của Tà Giang, thu hút nhiều du khách đến khám phá. Anh Đặng Trần Thức – du khách TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đoàn của tôi có 20 thành viên tham gia đi trekking Tà Giang. Cung đường không khó, đi xuyên rừng và nhiều đoạn suối mát mẻ nên các thành viên rất thích. Qua hành trình dài hơn 10 giờ trekking, cảnh núi non hùng vĩ, hoang sơ hiện ra trước mắt thật là đẹp. Trên đường đi có nhiều suối đá – đây là điều đặc biệt mà những nơi khác không có”.

Theo anh Bặng, hiện nay, tour trọn gói khám phá Tà Giang có giá từ 1,8 đến 2,7 triệu đồng/người tùy thuộc vào đi từ Khánh Hòa hay TP. Hồ Chí Minh. Mỗi tour ít nhất 3 khách, 1 porter sẽ mang vác khoảng 20kg và hỗ trợ từ 1 đến 3 khách trên suốt chặng đường đi. Các porter chủ yếu là người dân địa phương, công việc này đã giúp họ có thêm thu nhập với mức 1,2 triệu đồng/chuyến đi. “Ngoài làm porter, một số người dân ở địa phương còn thực hiện mang vác thức ăn, nước uống lên điểm cắm trại để phục vụ du khách nên có thêm tiền trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi mong du lịch Tà Giang phát triển hơn nữa để đời sống của người dân địa phương ngày càng được nâng cao”, anh Bặng chia sẻ.

Nếu có cơ hội đến huyện miền núi Khánh Sơn, du khách hãy thử trải nghiệm chinh phục Tà Giang để được ngắm nhìn thảo nguyên xanh mướt, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh ẩn hiện giữa núi rừng bao la.
Châu Tường