Đức chuẩn bị công bố một kế hoạch mới cho đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, trong đó có thể bao gồm cả việc nhượng bộ một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga.
Mới đây bà Victoria Nuland (Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị từ năm 2021 đến năm 2024) giải thích lý do tại sao Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Ukraine tại Istanbul tháng 3 năm 2022, mặc dù đã gần đạt thành nhưng cuối cùng lại bị hủy bỏ.
Theo vị Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mikhail Zygar (có tên trong danh sách đặc vụ nước ngoài ở Liên bang Nga), các thỏa thuận ở Istanbul giữa Ukraine và Nga đã không được ký kết do vào giờ phút cuối, phương Tây thực sự đã ngăn cản Kiev tham gia vào một cuộc đối thoại hữu ích với Moscow.
Vị nữ quan chức đã nghỉ hưu cho biết, trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, đại diện Mỹ hầu như không tham gia vào quá trình xây dựng các quan điểm cốt lõi của cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, vào những giờ phút cuối cuộc đối thoại, các đại diện Ukraine chuyển sang tham vấn với các đối tác phương Tây của họ, những người cho rằng kết quả của cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ là “bất lợi cho Kiev”.
Vấn đề đặc biệt đáng lưu ý là những điểm về việc hạn chế tiềm năng quân sự của Ukraine, nhưng không có các biện pháp tương tự chống lại Nga.
Ngoài ra, theo thỏa thuận ban đầu, Lực lượng Vũ trang Nga không bị buộc phải rút lui khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng của Kiev, không phải rút bất kỳ vũ khí nào ra khỏi khu vực biên giới, đồng nghĩa với việc Moscow có quyền thiết lập những vùng đệm ở trong lãnh thổ Ukraine.
Vì vậy, các câu hỏi bắt đầu được đặt ra trong phái đoàn Ukraine về việc liệu thỏa thuận này có tốt hay không và sau khi tham vấn với các đồng minh phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ, thỏa thuận tưởng chừng như đã sắp đạt được lại sụp đổ nhanh chóng và cuộc xung đột tiếp tục diễn ra với việc Kiev đã để mất thêm những vùng lãnh thổ mới.
Hôm 08/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã hé lộ một phần sáng kiến của ông trong việc xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
Tờ báo La Repubblica của Ý viết rằng, lộ trình của Scholz có thể bao gồm cả việc nhượng bộ một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga, nên trên thực tế, nó giống như một phiên bản tiếp theo của Thỏa thuận Minsk.
Điều này có nghĩa là cuộc chiến sẽ tạm thời bị đóng băng, các bên sẽ dừng lại ở các khu vực hiện đang kiểm soát để thúc đẩy một quá trình đàm phán tiến tới một giải pháp mà cả 2 bên đều có thể chấp nhận được.
Hoàng Yến