Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19 + 000 – Km53 + 000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành ráo riết chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án.
Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Mục tiêu dự án hoàn thiện kết nối tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La), từ đó tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên) theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc – Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.
Đối với tỉnh Hòa Bình, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các địa phương mà tuyến đường đi qua, với điểm nhấn là công trình cầu Hòa Sơn dài khoảng 1,2km, là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550 m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187 m) và các công trình hầm cũng như các cầu đặc biệt có trụ cao trên 50 m (trong đó phương án kiến trúc được lựa chọn bảo đảm về mỹ quan, phù hợp với văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình).
Cầu Hoà Sơn được thiết kế, xây dựng vượt hồ Hoà Bình, vị trí nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình. Đây là khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng; là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình; cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…) và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Xác định tầm quan trọng của dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và các điều kiện để khởi công dự án. Hiện công tác kiểm đếm, đền bù, GPMB dự án được triển khai khẩn trương; đã hoàn thành kiểm đếm hơn 20% diện tích đất thu hồi, sẵn sàng cho việc triển khai dự án trong tháng 9 này.
Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu dài khoảng 34 km, nối từ thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc đến xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m. Dự kiến dự án sẽ khởi công tại xóm Sèo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Theo báo Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã lên các phương án đền bù bồi thường GPMB; rà soát thực hiện công tác tái định cư cho các hộ thuộc diện thu hồi đất và nhà. Tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển một số ngôi mộ phải di dời để sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Để thúc tiến độ GPMB, huyện đã thành lập tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, cùng các thành viên thuộc ban, ngành, đoàn thể huyện và mời chủ đầu tư dự án tham gia để cùng phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB. Định kỳ hằng tuần, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện họp giao ban cùng tổ công tác đánh giá tiến độ và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Theo kế hoạch, tỉnh Hòa Bình cần thu hồi hơn 354 ha đất cho dự án, chủ yếu là đất rừng và đất lúa cần chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng trong công tác GPMB.
Đồng chí Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Kỳ họp HĐND tỉnh tháng 8 vừa qua đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi đất thực hiện dự án. Đây là điều kiện để đẩy mạnh công tác GPMB cho dự án. Ban đang đốc thúc triển khai thực hiện các điều kiện để sẵn sàng khởi công dự án trong tháng 9 này.
Trước đó, dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, do khó khăn về thu xếp nguồn vốn nên dự án phải tạm dừng để chuyển sang phương thức đầu tư công. Hiện nguồn vốn đã được bố trí, công tác lựa chọn nhà thầu cũng đã được triển khai với các gói thầu xây lắp của dự án. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2028.