Từ năm 2019 kênh Đông Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) luôn ngập rác thải gây nghẽn tắc dòng chảy. Trước thực trạng trên, đơn vị Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM đã lên kế hoạch lắp đặt 5 thiết bị vớt rác tự động trên các tuyến của kênh Đông nhằm giải quyết tình trạng trên.
Theo thông tin từ UBND huyện Củ Chi cho biết, nguồn nước được cấp trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, chảy vào các kênh tưới cấp 1, 2, 3 và phục vụ tưới tiêu cho hơn 12.000ha trồng trọt và nước sinh hoạt. Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài là 630km, gồm 11 kênh chính, 140km kênh cấp 1 và 2, cùng 480km kênh cấp 3, 4 và nội đồng. Chạy suốt chiều dài kênh có hơn 1.900 công trình xây đúc các loại.
Kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của thành phố tạo điều kiện phát triển thuỷ sản với trên 1.000ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất khoảng 5.000 m3/ngày đêm…
Tuy nhiên tình trạng rác thải, cùng xác động vật chết thả trôi sông phân hủy bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc. Các chỉ số của dòng nước trên kênh Đông Củ Chi luôn vượt mức cho phép. Có nhiều nguyên nhân khiến dòng kênh này bị rác thải “bức tử”, trong đó chủ yếu từ ý thức chưa cao của người dân xả rác trực tiếp xuống kênh, rác thải còn làm cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân sống gần 2 bên bờ.
Mặc dù UBND huyện Củ Chi đã tổ chức nhiều đợt vớt rác trên kênh Đông, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tuyến kênh nhưng tình trạng không chấm dứt. Trước tình hình đó, đơn vị Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM đã lên kế hoạch và lắp đặt 5 thiết bị vớt rác tự động trên các tuyến kênh của kênh Đông nhằm giải quyết tình trạng rác ngập sông Củ Chi.
Các thiết bị này được lắp đặt tại 2 vị trí K41 và K45 – kênh chính Đông; 2 thiết bị lắp đặt tại vị trí K8 và K12 – kênh N31A và 1 thiết bị lắp tại vị trí K9 – kênh N46. Đây đều là những vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn và tác động đến dòng chảy của các tuyến kênh. Toàn bộ dự án đầu tư thiết bị có tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng.
Thiết bị vớt rác vận hành tự động. hoá, kết nối dễ dàng với hệ thống điều khiển từ xa (SCADA), có thể cài đặt thời gian tự vớt rác trong bất kỳ thời gian nào. Rác sau khi vớt cũng được hệ thống tập kết tại một điểm gọn gàng. Phần mềm quản lý, vận hành sẽ tự động báo về cho đơn vị thu gom rác thải đến để xử lý. Điều này hạn chế được tình trạng ô nhiễm, rác thải trên bờ, dưới kênh và rút ngắn được thời gian chờ đợi xử lý.
Hệ thống camera an ninh được lắp đặt dọc theo bờ kênh, đặc biệt là tại các vị trí lắp đặt hệ thống vớt rác tự động để kịp thời phát hiện, nhắc nhở trực tiếp hoặc phạt nguội đối với những trường hợp cố tỉnh xả rác, phá hoại tuyến kênh Đông Củ Chi. Máy vớt rác tự động không bị phụ thuộc hay ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, máy giúp tiết kiệm nhân lực, vật lực, đem lại hiệu quả cao trong quá trình thu gom rác thải trên hệ thống kênh này.
Hệ thống vớt rác tự động được đầu tư lắp đặt trên kênh Đông đã mang đến những hiệu quả tích cực, giảm sức lao động của con người, giảm chi phí thuê nhân công dọn rác trên kênh. Khi rác thải được trục vớt, lưu lượng dòng chảy sẽ được đảm bảo và lưu thông, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân địa phương.
Hải Long