(Chinhphu.vn) – Những năm qua, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác ủy thác quản lý vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Nhận ủy thác cho vay tín dụng chính sách trên 4.000 tỷ đồng
Từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận để đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả, giúp họ từng bước vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cái Bè Đoàn Thị Thoa cho biết, tổng dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ huyện là trên 153 tỷ đồng với 4.066 hộ, bình quân dư nợ trên 37 triệu đồng/hộ với 10 khoản vay. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ủy thác, trong năm 2023 đã giúp 87 hộ thoát nghèo bền vững, thu hút, tạo việc làm cho trên 924 lao động. Tư vấn, giới thiệu cho 32 người xuất khẩu lao động sang Đài loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Ngoài ra, còn giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Tín dụng chính sách xã hội mang ý nghĩa thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, được người dân đồng tình ủng hộ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Minh Toàn cho rằng, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng có nhiều mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có 244.612 hộ đạt danh hiệu, chiếm 58,19% số hộ đăng ký.
Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, gồm: Cấp cơ sở trên 135.760 hộ, chiếm 72,51% tổng số hộ đạt; cấp huyện 69.652 hộ, chiếm 21,98% tổng số hộ đạt; cấp tỉnh 9.778 hộ, chiếm 4,94% tổng số hộ đạt; cấp trung ương 115 hộ, chiếm 0,57% tổng số hộ đạt; số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 2,7 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 1,8 lần.
Việc vay vốn NHCSXH đã giúp giải quyết được việc làm cho hơn 850 hộ hội viên cựu chiến binh huyện Châu Thành; đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên cựu chiến binh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhờ các nguồn vốn vay, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của hội viên cựu chiến binh, như: Chăn nuôi bò sinh sản của hội viên Lê Văn Thạch (xã Long An); trồng sầu riêng của các hội viên Lê Văn Ca (xã Bàn Long), Nguyễn Trần Hùng (xã Hữu Đạo); trồng cây sa pô của hội viên Nguyễn Ngọc Hai (xã Phú Phong), nuôi lươn của hội viên Tô Hoài Phong (xã Bình Trưng); xã Tam Hiệp có 3 hội viên tự vươn lên xây nhà ở kiên cố, trị giá hơn 800 triệu đồng/căn nhà.
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, NHCSXH tiếp tục thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác.
Để cụ thể hóa nội dung công việc ủy thác, NHCSXH chi nhánh tỉnh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh Tiền Giang đã ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp huyện đã ký kết văn bản thỏa thuận; ký kết hợp đồng ủy thác với tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp xã thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ đó, 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc triển khai nghiêm túc và bố trí cán bộ, phân công cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công việc ủy thác đảm bảo ổn định, phát huy hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Tuyên truyền, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội. Thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở trong việc nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, với mạng lưới từ cấp tỉnh đến cơ sở đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tập huấn nghiệp vụ ủy thác cũng như kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Thực hiện công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách của các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy thế mạnh trong việc tập hợp lực lượng, bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội có điều kiện kết nạp thêm hội viên, củng cố, kiện toàn tổ chức từ cơ sở ngày càng vững mạnh và có thêm một phần kinh phí để hoạt động. Công tác ủy thác từng phần đã gắn kết NHCSXH với các tổ chức chính trị-xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ xóa khó giảm nghèo.
Quá trình tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gắn với hoạt động đầu tư vốn ưu đãi cho hộ nghèo đã phát huy tác dụng, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Đầu tư vốn tín dụng ưu đãi còn gắn với các phong trào khởi nghiệp của phụ nữ, của thanh niên, nông dân, cựu chiến binh đã tháo gỡ khó khăn về vốn.
Hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội đã phản ánh tính tiên tiến của phương thức cho vay; chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; đồng thời, quản lý vốn tín dụng chính sách công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động của NHCSXH.
BT