Từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ngày 9/10, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, từ cuối năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 820 người nộp thuế (NNT) đang bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền là 53 tỷ đồng (chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
Tổng cục Thuế đánh giá, với 1.844 tỷ đồng thu được thông qua biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành Thuế triển khai.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp (DN) và NNT vẫn chưa hết băn khoăn vì quy định tạm hoãn xuất cảnh.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế thông tin, về cơ bản, các quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế.
Từ cuối năm 2023, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của NNT bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỷ đồng).
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi NNT để NNT được biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp nhận ý kiến góp ý khi thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, trong quá trình triển khai, ngành Thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến của DN và NNT cho rằng, đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Thứ nhất, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cơ quan thuế nhận được ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho DN, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại điện pháp luật của DN là cá nhân đại diện cho DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của DN, đại điện cho DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần…, là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.
Thứ hai, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
Tại tiết a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 126 quy định “Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh…” là “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT”. Do đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể.
Thứ ba, DN và NNT cho rằng, các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho DN và NNT gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít DN và NNT và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Theo quy định, có một số giải pháp đảm bảo thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp… Đặc biệt nếu NNT có khó khăn, cũng có những chính sách như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp…
Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 66, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ NNT khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bảo Hân