Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sởi tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 21/3 đến ngày 28/3), toàn Thành phố ghi nhận thêm 189 trường hợp sởi tại 28 quận, huyện, không ghi nhận ca tử vong. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Nam Từ Liêm (25); Hoàng Mai (19); Bắc Từ Liêm, Long Biên (14); Thanh Trì (13); Hà Đông, Đống Đa, Thường Tín (9).

Cộng dồn năm 2025, Hà Nội ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 tử vong, tăng so với cùng kỳ 2024. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 11% dưới 6 tháng; 14% từ 6-8 tháng; 11% từ 9 – 11 tháng; 23% từ 1 – 5 tuổi; 15% từ 6 – 10 tuổi, 25% trên 10 tuổi.
Trong tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, từ đó tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch; giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, tại 21 quận, huyện.
Phát biểu taị buổi kiểm tra việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ trên địa bàn quận Long Biên vừa qua, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết: Hà Nội có mật độ dân cư rất đông, di biến động dân cư mạnh nên nguy cơ mắc bệnh sởi cao.
Do đó, từ tháng 10/2024, Hà Nội đã chủ động triển khai tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao từ 1 đến 5 tuổi. Sau đó, khi thống kê, đánh giá, nhận định thấy nổi lên nhóm trẻ nguy cơ cao là những trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, Hà Nội đã đề xuất tiêm cho nhóm đối tượng này. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo rất sớm và rất quyết liệt công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh sởi cho nhóm đối tượng này.
Song song với đó, Hà Nội có lợi thế về dịch vụ tiêm chủng tư nhân chiếm số đông tham gia vào tiêm và phòng bệnh. Tuy nhiên, do di biến động dân cư nên số liệu rà soát luôn thay đổi, nên ngành Y tế Hà Nội phải thường xuyên cập nhật các đối tượng để tiêm ngay. Đồng thời, thời gian qua, Hà Nội cũng đã tổ chức giao ban phòng, chống dịch, chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức chiến dịch tiêm phòng dịch, bệnh sởi; các quận, huyện cũng đã chủ động lên kế hoạch triển khai tiêm phòng và tăng cường công tác tuyên truyền.
“Hiện, một số phụ huynh còn chưa tin tưởng vào vắc xin, do vậy cần tăng cường hơn nữa truyền thông thay đổi nhận thức của người dân; tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi, tránh để dịch bệnh bùng phát diện rộng”- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Bùi Văn Hào nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trước tình hình số ca mắc sởi trên địa bàn còn tăng cao, trong tuần tới, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Các đơn vị tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng,… trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vắc xin trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Khi có trường hợp mắc bệnh sởi tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng. Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.