Nhằm giúp học sinh lớp 9 và giáo viên các nhà trường chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2025 – 2026, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa của kỳ thi này.
Năm học 2025 – 2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm giúp học sinh lớp 9 năm học 2024 – 2025 cũng như cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn Thành phố có định hướng cụ thể để tổ chức dạy, học, ôn tập hiệu quả, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 – 2026, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cho kỳ thi này.
Giáo viên, học sinh có thể tham khảo cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa tại đây.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thông tin tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường về cấu trúc định dạng đề thi; chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp theo từng môn học, lưu ý các dạng thức trắc nghiệm khách quan để học sinh lớp 9 được làm quen; đồng thời tăng cường các dạng thức trắc nghiệm gồm: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng); trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý lựa chọn đúng hoặc sai); trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Cùng đó, các đơn vị cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khuyến khích các trường trên địa bàn xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, học tập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, kháo sát.
Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, thực hiện việc sử dụng ngữ liệu trong đề kiểm tra, khảo sát đảm bảo đúng quy định. Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.