Hàng loạt dự án công viên công cộng lớn được quy hoạch với kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo TP Hà Nội, góp phần phục vụ nhu cầu của người dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, sau nhiều năm lên kế hoạch, các công viên này hiện vẫn chưa được triển khai.
Hà Nội thiếu các công trình văn hóa, vui chơi công cộng
Trong hơn 20 năm qua, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch xây dựng nhiều dự án công viên, vườn hoa, hồ điều hòa trên địa bàn. Tuy nhiên, với những lý do như điều chỉnh quy hoạch, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn khi lựa chọn nhà đầu tư, thiếu kinh phí,… rất nhiều dự án đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc bị chậm tiến độ.
Đơn cử có thể kể đến dự án Công viên Đống Đa được phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến nay, sau hơn 20 năm vẫn chậm triển khai. Đây là dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước. Ngoài ra là các dự án công viên nằm trên đường 151-153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ nhiều năm chưa thực hiện, gây tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn; công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) tuy đã đưa vào cải tạo nhưng đến nay không hoạt động, một số hạng mục bị người dân lấn chiếm.
Một số công viên bị bỏ hoang hoặc không sử dụng đúng mục đích trong thời gian dài như công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. Có một nghịch lý là trong khi người dân Thủ đô luôn mong mỏi có thêm các không gian công cộng, nơi thư giãn, vui chơi giải trí thì trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại hiện trạng hàng trăm ha đất dù đã được quy hoạch làm công viên, vườn hoa nhưng bị bỏ hoang hoặc chậm tiến độ nhiều năm.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều dự án triển khai công viên, vườn hoa quy mô lớn đã được thành phố đẩy mạnh xây dựng. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội còn nhiều hạn chế nên việc triển khai hệ thống công viên, cây xanh đô thị tại Hà Nội vì thế còn nhiều khó khăn.
Gia Lâm đẩy mạnh quy hoạch công viên cây xanh
Nổi lên như một điểm sáng trong quy hoạch đô thị, Gia Lâm đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các công trình công cộng, hoàn thiện bộ mặt đô thị trước thềm lên quận. Trong đó, có thể kể đến dự án xây dựng công viên Gia Lâm được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt và khởi công vào ngày 11/6.
Dự án có quy mô 31ha với tổng mức đầu tư lên đến 286 tỷ đồng. Dự kiến khi công viên Gia Lâm đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo cảnh quan môi trường, có thêm không gian sinh hoạt văn hóa, phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho người dân trong khu vực..
Đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhiều dự án khu đô thị được phát triển bởi các ông lớn trong ngành bất động sản như Ocean Park của Vingroup, Eurowindow Twin Parks của Eurowindow Holding cũng đã góp phần làm thay đổi diện mạo Gia Lâm, biến khu vực này trở thành tâm điểm đón làn sóng dịch chuyển của cư dân nội đô.
Quy hoạch đô thị và phát triển không gian công cộng là chìa khóa để xây dựng và phát triển ý thức cộng đồng, gắn kết dân cư, phát triển kinh tế đô thị. Do đó, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh công tác triển khai thi công các công viên đang chậm tiến độ.
Trịnh Ngân