Từ xa xưa, chuồn chuồn tre đã gắn bó với đời sống người dân Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Nghề làm chuồn chuồn tre không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây – một nghề truyền thống đang được “chắp cánh” để bay xa cùng du lịch địa phương.
Tỉ mỉ trong sáng tạo
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) như một nét chấm phá bình yên, nép mình dưới chân núi Tây Phương lộng gió. Làng nghề chuồn chuồn tre nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm mộc mạc, sáng tạo, gợi nhớ một thời tuổi thơ hồn nhiên, đầy ắp kỷ niệm.
Trên những con ngõ nhỏ, tiếng dao vót tre, tiếng cười đùa của người thợ hòa vào không gian làng quê yên ả. Từng đôi bàn tay khéo léo, từ cụ già tóc bạc đến những em nhỏ đang tập tành làm chuồn chuồn… cùng nhau thổi hồn vào từng thanh tre thô ráp, tạo nên những chú chuồn chuồn tre nhỏ bé mà tinh xảo.
Đến Thạch Xá hỏi thăm về nghề làm chuồn chuồn tre, ai cũng bảo phải tìm đến nhà ông Đỗ Văn Liên. Trong căn nhà nhỏ nép bên lối làng, người đàn ông ngoài 50 tuổi vẫn cặm cụi tỉa tót những cánh chuồn chuồn. Đôi tay ông thoăn thoắt, cẩn trọng như nâng niu chính tuổi thơ của mình, còn đôi mắt ánh lên niềm say mê lặng lẽ.
Những chiếc chuồn chuồn tre, sau khi được tỉa cho thật mảnh mai và gọn ghẽ, nằm gọn trong xô nhựa – ước chừng cả trăm con. “Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ”, ông Liên chia sẻ. Theo lời ông Liên, chỉ cần sơ sẩy, cánh chuồn chuồn sẽ không cân, bay không được, rồi thành ra chẳng ai buồn mua.

Chuyện nghề của ông Liên bắt đầu từ một chiều cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, có đoàn khách du lịch ghé qua chùa Tây Phương, mang theo một chú chuồn chuồn tre xinh xắn. Lũ trẻ và cả người lớn trong làng xúm lại ngắm nhìn, ai nấy đều trầm trồ. Chẳng biết tự bao giờ, cái hiếu kỳ của đám đông và chút tò mò trong ông Liên biến thành động lực.
Ông tự nhủ: “Sao mình không thử làm?”. Vậy là từ những khúc tre sẵn có, ông và vài hộ gia đình trong làng mày mò đục, mài, uốn. Mỗi chiếc chuồn chuồn ra đời lại như một bài học nhỏ, có cái chưa được, có cái đã “cất cánh” đậu yên trên đầu ngón tay. Thế rồi, từng bước, nghề làm chuồn chuồn tre lan ra cả làng. Từ một thú vui tò mò, nó trở thành nguồn sống, thành niềm tự hào của người dân Thạch Xá.
Cũng giống như ông Liên, ông Nguyễn Văn Tái, chủ cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre Tái Tân cho biết, mỗi chú chuồn chuồn không chỉ là món đồ chơi bình dị, mà còn là kết tinh của cả một hành trình lao động và đam mê.
Theo lời ông Tái, nghề chế tác chuồn chuồn tre của gia đình ông đã lan tỏa khắp vùng xa gần suốt hơn 27 năm nay. Với ông, nghề không chỉ là công việc, mà còn là duyên nợ gắn bó sâu sắc với cuộc đời. Những chú chuồn chuồn nhỏ bé, tinh xảo do chính tay ông làm ra đã chinh phục trái tim của bao người, trở thành món quà tuổi thơ ngọt ngào và biểu tượng của hồn quê. Chính tình yêu nghề và sự tin tưởng từ khách hàng đã tiếp thêm sức mạnh, nuôi dưỡng trong ông niềm quyết tâm không ngừng nghỉ, để ngày càng phát triển và mở rộng sản xuất, giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc này.
Theo ông Tái, tre để làm chuồn chuồn có yêu cầu bắt buộc là không được ngâm, không được mối mọt, chỉ lấy tre già – dẻo dai và bền chắc. Rồi từ đó, người thợ sẽ uốn từng cặp cánh, vót từng thân tre cho mềm mại.
Với những nghệ nhân như ông Tái, ông Liên, dường như đôi tay họ đã quen với những lát cắt nhỏ xíu, những động tác uốn cong đầy tỉ mỉ. Dưới ánh đèn vàng vọt, họ ngồi lặng lẽ bên khúc tre khô, kiên nhẫn mài giũa từng góc cạnh, từng đường nét như thể đang thổi hồn vào một sinh linh bé nhỏ.

Họ kể, mỗi lần chuồn chuồn mất thăng bằng, họ lại lật đi lật lại, chỉnh sửa từng chút cho đến khi nó có thể đậu yên trên đầu ngón tay. “Chẳng có ảo thuật gì đâu,” ông Tái quả quyết.
Có lẽ sự thật đúng là vậy. Bởi chỉ có sự kiên nhẫn, niềm say mê và một tình yêu nghề truyền đời đã, đang và sẽ giúp chuồn chuồn tre của làng Thạch Xá đã bay xa, vượt khỏi lũy tre làng, trở thành món quà chất chứa, chở nặng cả hồn quê.
Đưa làng nghề vươn xa
Thạch Thất là vùng đất xứ Đoài mộc mạc. Nơi đây không chỉ là miền quê với những hàng tre xanh rì rào gió, mà còn là kho tàng văn hóa, lịch sử, mang đậm hồn quê Việt. Vùng đất này có tới 209 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 66 di tích được công nhận cấp tỉnh, thành phố. Mỗi mái đình, ngôi chùa, mỗi lối nhỏ dẫn vào làng đều lưu giữ hơi thở ngàn năm của những lớp người đã từng sống, từng thắp lên niềm tự hào quê hương.
Thạch Thất không chỉ nổi danh với nghề chế tác chuồn chuồn tre ở Thạch Xá, mà còn tự hào với những làng nghề truyền thống đã ăn sâu vào đời sống nơi đây: nghề cơ kim khí ở Phùng Xá; nghề mộc, may ở Hữu Bằng; nghề mây tre đan Bình Phú; bánh chè lam Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu; làm nhà gỗ cổ truyền ở Hương Ngải… Tất cả đã dệt nên một bức tranh làng quê sống động, mỗi làng một nghề, mỗi nghề một câu chuyện, tạo nên nhịp sống cần mẫn, lặng lẽ mà đầy tự hào.
Những làng nghề không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình, mà còn là cầu nối đưa sản phẩm quê nhà vươn xa, góp phần đưa Thạch Thất trở thành điểm đến du lịch đầy sức hút. Và hơn hết, chính bàn tay tài hoa của người thợ đã làm nên những sản phẩm không chỉ phục vụ tiêu dùng mà còn giữ gìn tinh hoa văn hóa – một phần hồn cốt không thể phai mờ của xứ Đoài.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế có thể thấy các làng nghề truyền thống của Thạch Thất vẫn chưa thực sự phát huy được hết sức mạnh, chưa trở thành “đòn bẩy” cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Với sự giao thoa ngày càng rõ nét giữa văn hóa truyền thống và xu hướng du lịch trải nghiệm, Thạch Thất có cơ hội đặc biệt để gắn kết làng nghề với du lịch – một hướng đi mang lại giá trị kép. Du khách không chỉ đến để thưởng thức cảnh sắc, mà còn muốn được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm từng khâu thủ công, cảm nhận hơi thở và nhịp sống của làng nghề. Đây chính là cơ hội để sản phẩm truyền thống được nâng tầm giá trị, làng nghề có thêm nguồn lực phát triển, đồng thời giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa.
Trước khi giã từ, đọng lại trong tâm trí tôi là ánh mắt của những người nghệ nhân như ông Tái, ông Liên – ánh mắt chan chứa niềm đau đáu và khát vọng không bao giờ tắt. Họ tâm sự với tôi rằng: Bản thân chỉ mong sao, những chú chuồn chuồn tre nhỏ bé nhưng đầy hồn cốt quê hương này có thể được kết nối với các tour, tuyến du lịch của địa phương. Họ khao khát du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, mà còn được đắm mình trong không gian của làng nghề, được tận mắt chứng kiến từng công đoạn chế tác, chạm tay vào những thanh tre nứa mộc mạc đang dần hóa thành tác phẩm nghệ thuật. Và quan trọng hơn cả, được cảm nhận tinh thần cần mẫn, sự tỉ mỉ và niềm tự hào lấp lánh trong đôi mắt của những người thợ – những người vẫn âm thầm thổi hồn quê vào từng sản phẩm.
Hi vọng tương lai không xa những mong mỏi sẽ thành sự thật, mỗi chú chuồn chuồn tre sẽ không chỉ còn là một món quà lưu niệm giản dị, mà sẽ trở thành sứ giả mang hồn quê bay xa. Để rồi, biết đâu một ngày ở tận nước Pháp lãng mạn, ở nước Mỹ sôi động hay đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, người ta sẽ thấy được không chỉ sự khéo léo của đôi tay người Việt, mà còn thấy được một phần bản sắc văn hóa – những câu chuyện, ký ức và tình yêu quê hương vẫn đang được nâng niu và gìn giữ qua từng đôi cánh chuồn chuồn nhỏ bé…