Trước đây, việc giã gạo chày tay được người S’tiêng, M’nông ở Bình Phước thực hiện thường xuyên để chế biến gạo làm nguồn lương thực sử dụng trong đời sống hằng ngày. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, việc giã gạo bằng chày của các dân tộc này còn rất ít. Chủ yếu họ còn giữ nghề để phục vụ du lịch và giữ gìn nét độc đáo trong văn hóa dân tộc mình.
Đi tìm tiếng chày giã gạo
Nhắc đến tiếng chày giã gạo trên đất Bình Phước, ai cũng sẽ nghĩ ngay tới địa danh sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Tuy nhiên, ngày nay việc giã gạo chỉ mang tính chất phục vụ nhu cầu tham quan và trải nghiệm của du khách khi đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Điều đặc biệt là ngoài sóc Bom Bo thì tại thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tiếng chày giã gạo “cắc cùm cum” vẫn vang lên đều đặn, vẫn tồn tại trong đời sống hằng ngày của đồng bào S’tiêng.
Chúng tôi đến thăm nhà chị Thị Khé, nơi những người lớn tuổi trong thôn 7, xã Đoàn Kết thường họp mặt để uống trà, trò chuyện và thay phiên nhau. giã gạo. Chị Thị Khé tranh thủ sàng, sảy số gạo vừa giã, vừa trò chuyện với chúng tôi. Tuy mệt nhưng chị rất vui khi có người quan tâm hỏi về nghề giã gạo của đồng bào mình. Chị chia sẻ: “Mình biết giã gạo từ năm 12 tuổi. Khi đó, cha mẹ thường lên nương rẫy, mình ở nhà giữ em, rồi giã gạo để nấu cơm cho các em ăn. Giờ thỉnh thoảng ở nhà khi rảnh rỗi, mình vẫn mang chày, cối ra giã gạo cho vui”.
Kết quả kiểm kê 67 điểm có tồn tại nghề giã gạo chày tay của người S’tiêng, M’nông trên địa bàn tỉnh Bình Phước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 cho thấy, hiện chỉ còn duy nhất điểm ở thôn 7, xã Đoàn Kết duy trì nghề. Thôn 7 có 90 hộ đồng bào S’tiêng sinh sống, trong đó hơn 60 hộ còn giữ nghề thủ công truyền thống giã gạo bằng chày tay. Ông Điểu Ân (61 tuổi), người dân thôn 7 cho biết, người lớn tuổi trong thôn ai cũng biết giã gạo. Bà con ở đây chủ yếu trồng lúa ruộng, 1 năm 2 vụ. Khi lúa chín, bà con thu hoạch, ngoài bán cho thương lái, họ còn trữ trong kho để ăn dần.
Để nhịp chày vang mãi
Ngày nay, việc giã gạo không phải để có gạo nấu cơm, mà là cách bà con giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện mỗi gia đình nơi đây dù giàu hay nghèo vẫn còn giữ lại bộ dụng cụ gồm 1 cái cối, 2 cái chày gỗ, 2 cái nia, gùi, tố, ché, ống tre… dùng để đựng lúa, giã gạo và sàng sảy gạo. Các thành viên trong gia đình đều có thể làm công việc này và họ đang khuyến khích những người trẻ cùng tham gia. Ông Điểu Khang, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Đoàn Kết cho biết: Chúng tôi khuyến khích bà con giáo dục con cháu mình về nghề truyền thống dân tộc để giữ gìn. Rảnh khi nào thì chịu khó tập làm khi đó, thông thường các cháu sẽ làm cùng người lớn.
Xác định nghề thủ công truyền thống này có nguy cơ mai một rất cao nên việc hoàn thành các thủ tục để công nhận nghề giã gạo chày tay là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được các cấp, ngành văn hóa gấp rút tiến hành. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết, ngoài lưu giữ nét văn hóa của đồng bào S’tiêng, thôn 7, xã Đoàn Kết còn là một trong những địa chỉ hỗ trợ ngành văn hóa huyện Bù Đăng và Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tiến hành các bước nghiên cứu lập hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề giã gạo chày tay của dân tộc S’tiêng, M’nông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày xưa, trên mảnh đất này, các thế hệ ông cha đã ngày đêm nhịp nhàng tiếng chày giã gạo, góp lương thực nuôi quân. Ngày nay, hình ảnh ấy vẫn luôn là niềm tự hào không chỉ với người S’tiêng, M’nông mà còn với người dân Bình Phước. Việc đồng bào giữ gìn nghề như khẳng định sự giản dị trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày, nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Và họ đang nỗ lực để tiếng chày giã gạo trên quê hương được trao truyền cho mai sau.
Nam Giao