Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT tuyệt đối không nên theo cảm tính, số đông, mà hãy căn cứ sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp.
Nên chọn môn thi theo năng lực, định hướng nghề nghiệp
Trên cơ sở kết quả đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh, hiện Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Thạch Phú, Bến Tre) đang thực hiện công tác tổ chức lớp và hoàn thiện kế hoạch ôn tập, dự kiến bắt đầu triển khai thực hiện vào 14/10 tới.
Thầy Hiệu trưởng Phan Văn Phúc cho biết, kết quả đăng ký cho thấy, ngoài 2 môn Tin học và Công nghệ có rất ít học sinh đăng ký (khoảng 1% mỗi môn), phần lớn các môn còn lại đều có học sinh đăng ký dự thi khá đông. Cụ thể, Vật lí, Hoá học và Địa lí, mỗi môn có khoảng 40% số học sinh đăng ký. Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, mỗi môn khoảng 23% số học sinh đăng ký.
Tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Năm, nhà trường đã triển khai cho học sinh lựa chọn môn thi ngay từ khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố. Đầu năm học 2024-2025, trường cho học sinh đăng ký lại để sớm tổ chức ôn tập.
Học sinh chủ yếu chọn môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Các môn Vật lí, Hóa học, Tiếng Anh ít có học sinh lựa chọn. Không học sinh chọn môn Sinh học, Tin học và Công nghệ.
“Nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền, hướng nghiệp cho các em qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, lồng ghép trong các tiết học và hoạt động giáo dục để các em sớm định hướng đúng đắn cho tương lai của mình.
Tuy nhiên, nhiều em vẫn chọn môn thi theo cảm tính, số đông, với các môn dễ học, dễ thi, chỉ mong đỗ tốt nghiệp sau đó đi làm công ty hoặc xuất khẩu lao động. Chỉ một số ít em đăng ký theo sở trường, năng lực để đăng ký đại học”, thầy Nguyễn Trọng Năm trăn trở.
Hãy chọn môn thi theo năng lực, định hướng nghề nghiệp
Đưa lời khuyên tới học sinh, thầy Nguyễn Trọng Năm nhấn mạnh việc lựa chọn môn thi cần căn cứ vào năng lực bản thân, sở trường, năng khiếu, xu hướng xã hội; không nên theo cảm tính, đám đông.
Xu hướng của đất nước và thế giới là phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Do đó, hãy trang bị kiến thức, giúp mình có một ngành nghề, làm chủ tương lai, thay vì chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT để đi làm công ty, hoặc xuất khẩu lao động.
Cô Nguyễn Ngân Hà, giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) đồng quan điểm khi cho rằng, điều đầu tiên học sinh cần cân nhắc chọn môn học phù hợp với năng lực học tập, sở trường, điểm mạnh của bản thân; để từ đó có thể phát huy hết khả năng trong quá trình học tập.
Thứ hai, các em cần phải xác định rõ lĩnh vực, nghề nghiệp mà mình mong muốn hoặc có dự định theo đuổi.
Thứ ba, học sinh cần tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô, các kênh thông tin tuyển sinh để nắm rõ hơn về các thông tin liên quan đến môn học, định hướng nghề nghiệp tương lai..
“Không ai hiểu thực lực, sở trường, cũng như điểm yếu của các em bằng chính mình. Cũng không ai hiểu thấu nguyện vọng lựa chọn nghề nghiệp của các em bằng chính các em. Chỉ có các em là người quyết định lựa chọn môn thi và khối ngành đại học – cao đẳng”.
Nhấn mạnh điều này, thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) lưu ý: học sinh phải thận trọng, xác định thật chắc điểm mạnh, yếu của mình; cùng với định hướng, tư vấn của thầy cô để đưa ra quyết định cho mình. Tránh lựa chọn theo số đông, theo cảm tính.
Nghề nghiệp trong tương lai luôn biến động. Nhiều nghề mới sẽ sinh ra. Nhiều nghề cũ giảm nhân lực, thậm chí có vị trí việc làm nào đó mất đi. Vậy nên các em không thể ngồi ở hiện tại mà khẳng định chắc chắn nghề này hot, nghề kia sẽ phát triển.
Điều quan trọng là các em có sự kiên định, cố gắng học tập tốt, nghiên cứu dự báo nghề nghiệp mà các chuyên gia uy tín đưa ra và luôn luôn có suy nghĩ và cái nhìn linh hoạt về nghề nghiệp trong tương lai.
Hải Bình