(Chinhphu.vn) – Sáng 23/5, Báo Người Lao động tổ chức chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030”.
Công nghiệp văn hóa Việt Nam mới phát triển ở tầm trung
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo, TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho biết, Việt Nam có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhờ kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến. Văn hóa từ lâu đã trở thành sức mạnh mềm của dân tộc, làm rạng danh tên tuổi và vị thế con người Việt Nam anh hùng, hòa hiếu.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp chỉ 2,68% GDP thì năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn 2018-2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Số lượng các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung. Trong khi đó, tiềm năng, thế mạnh của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa của nước ta rất dồi dào, nếu có thể biến nguồn lực này thành giá trị kinh tế thì sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước.
Cần có những chính sách kịp thời, hợp lý
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư tài chính để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao…
Từ cách làm, phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đưa ra các nhóm giải pháp triển khai trong dự án “Phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM” như: Tiếp tục tham mưu các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; nghiên cứu đề xuất bổ sung quy hoạch chung các khu đất có quy mô lớn để phát triển các thiết chế văn hóa, phim trường, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm…; đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài; có chính sách ưu đãi thuế, vốn vay, sử dụng đất… nhằm thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa; thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại số, trí tuệ nhân tạo, để phát triển công nghiệp sáng tạo…
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, đề xuất cần có cơ chế riêng về chính sách bảo hộ điện ảnh, để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam, cần ưu tiên việc chiếu phim Việt Nam, thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt, ngân hàng dành lãi suất ưu đãi cho những nhà làm phim…
Về vấn đề tận dụng công nghệ số trong phát triển công nghiệp văn hóa, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật-Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đặt câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi mô hình như thế nào để kiến tạo thị trường trong khi hiện các xu hướng công nghệ điện tử, Tiktok, Youtube,… đã truyền phát trên phạm vi toàn quốc gia.
Kết thúc buổi tọa đàm, nhà báo, TS. Tô Đình Tuân tổng kết chương trình với các nhóm vấn đề gợi mở: Muốn xây dựng nền công nghiệp văn hóa phải có hành lang pháp lý, rõ ràng, căn bản, cụ thể; có những chính sách kịp thời và hợp lý. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cũng như phải xây dựng nhiều điểm nhấn trong phát triển, sáng tạo văn hóa.
Và quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế, đủ sức cạnh tranh và tự tin tham gia thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và thế giới.
Minh Thúy