Lạm thu là vấn đề “đến hẹn lại lên” đầu năm học.
Câu chuyện không mới, tình tiết cũng không mới, cơ bản vẫn là những khoản thu bất hợp lý “núp bóng” đóng góp tự nguyện.
Hành lang pháp lý cho vấn đề này đã có, đó là Thông tư số 16/2018/TT-BGD&ĐT ngày 3/8/2018 quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT ngày 22/11/2011 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ở địa phương, hành lang pháp lý là Nghị quyết của HĐND quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục… Căn cứ quy định của Bộ GD&ĐT, địa phương, các sở GD&ĐT hầu như đầu năm học nào cũng ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở, quán triệt không để xảy ra lạm thu. Tuy nhiên, xử lý triệt để vấn đề này là bài toán khó tìm lời giải.
Hiện nay, dù chưa có nhiều trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm, nhưng thông tin về lạm thu đã bắt đầu rục rịch trên một số diễn đàn. Đơn cử, một diễn đàn của phụ huynh học sinh Hà Nội đang xôn xao câu chuyện về một trường THCS thông báo thu mỗi học sinh 200 nghìn đồng làm phông bạt che nắng ở sân trường.
Ngoài ra, học sinh được thông báo đóng 20 nghìn/tháng mỗi người để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50 nghìn đồng/tháng để in sao tài liệu, trong khi đó giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự in… cho dù năm học trước, khá nhiều cái tên liên quan đến vi phạm thu chi đầu năm học được điểm danh, nhiều trường hợp bị xử lý.
Nguyên nhân của việc không xử lý triệt để vi phạm thu chi trong trường học được cho là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự quyết liệt, hình phạt thiếu sức răn đe. Nhận định “công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương năm nào cũng thực hiện nhưng ít phát hiện sai phạm, mà chủ yếu do phụ huynh bức xúc lên tiếng” của một người dân không phải không có cơ sở.
Bên cạnh đó, còn tình trạng hiểu chưa đầy đủ, đúng về các quy định liên quan đến thu chi trong trường học, dẫn đến cách làm sai của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Phụ huynh cũng vì chưa hiểu thấu đáo, hoặc ngại lên tiếng nên không phản biện khi nhà trường đưa ra khoản thu vô lý…
Từ nguyên nhân này, giải pháp cấp thiết là phải đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; quy trách nhiệm người đứng đầu và xử lý thật nghiêm sai phạm, hình thức xử lý phải đủ sức răn đe. Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh không thể đứng ngoài cuộc với việc dũng cảm “nói không”, sẵn sàng phản biện nếu những yêu cầu nhà trường đưa ra không đúng quy định.
Đặc biệt, cần làm thật căn cơ, triệt để yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu chi. Trên thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng góp nếu kinh phí đó phục vụ cho hoạt động dạy học, để con em mình có được điều kiện học tập tốt nhất. Bức xúc của phụ huynh chủ yếu từ sự thiếu minh bạch của nhà trường.
Ngày 3/6/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực thi hành từ 19/7/2024. Thông tư dành hẳn 1 điều quy định về công khai thu chi tài chính; trong đó có các khoản thu, mức thu đối với người học, gồm: Học phí, lệ phí, các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí (nếu có) trong năm học và dự kiến cho từng năm học tiếp theo…
Năm học 2024 – 2025, năm đầu tiên triển khai Thông tư này, việc có quy định, chế tài để cơ sở giáo dục bắt buộc phải minh bạch thông tin giúp người học, gia đình người học và xã hội biết, cùng tham gia giám sát. Đây đồng thời là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục đối với việc thực hiện quy định thu, chi của nhà trường.
Thảo Đan