Mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2024 đạt khoảng 200 nghìn tấn, trị giá 327 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với tháng 7/2024; So với tháng 8/2023 giảm 10,1% về lượng, nhưng tăng 14% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.637 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng 7/2024, nhưng tăng 26,8% so với tháng 8/2023.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,11 triệu tấn, trị giá 1,74 tỷ USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng là nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao.
Xuất khẩu cao su năm 2024 của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 3-3,2 tỷ USD
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 910 ngàn ha, với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Với kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 3-3,2 tỷ USD, tăng 200-400 triệu USD so với năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, SVR 20…
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 55,31% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 504,8 nghìn tấn, trị giá 781,18 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,63% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 502,93 nghìn tấn, trị giá 775,77 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, SVR CV50, cao su tái sinh, SVR 5, Skim block… Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý như: RSS3, SVR 20, RSS1, cao su tổng hợp…
Về giá xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: RSS1 tăng 26,9%; Latex tăng 26,3%; Skim block tăng 25%; RSS3 tăng 23%; SVR 10 tăng 18,9%; SVR 5 tăng 18,7%; SVR CV50 tăng 18,3%…
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong tháng 8/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung từ Thái Lan chậm lại do thời tiết bất lợi, trong khi triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc và nhu cầu từ châu Âu cũng như Hoa Kỳ bắt đầu phục hồi.
Kinh tế Trung Quốc có tín hiệu khả quan khi lợi nhuận trong lĩnh vực công nghiệp của nước tháng tháng 7/2024 tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung cao su nội địa của Ấn Độ buộc nước này phải tăng nhập khẩu, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên căng thẳng hơn. Giá cao su dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su liên tục tăng mạnh trong tháng 8/2024. Ngày 28/8/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 380,9 Yên/kg (tương đương 2,64 USD/kg), tăng 19,4% so với cuối tháng 7/2024 và tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su cũng trong xu hướng tăng mạnh so với tháng trước. Ngày 28/8/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 15.400 NDT/tấn (tương đương 2,16 USD/ kg), tăng 8,6% so với cuối tháng 7/2024 và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 trong xu hướng tăng mạnh so với tháng trước. Ngày 28/8/2024, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 83,16 Baht/kg (tương đương 2,45 USD/kg), tăng 14,3% so với cuối tháng 7/2024 và tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo về những trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét ở Thái Lan từ ngày 28/8/2024 – 02/9/2024.
Theo báo cáo tháng 7/2024 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến đạt 1,29 triệu tấn trong tháng 7/2024, tăng 8,6% so với tháng 6/2024 và tăng 0,1% so với tháng 7/2023.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 7,16 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,31 triệu tấn trong tháng 7/2024, tăng 2,7% so với tháng 6/2024 và tăng 1,3% so với tháng 7/2023.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 9,02 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt tới 1,86 triệu tấn cao su tự nhiên trong 7 tháng đầu năm 2024.
ANRPC đã điều chỉnh dự báo triển vọng thị trường cao su tự nhiên toàn cầu trong năm 2024 so với dự đoán đưa ra trước đó. ANRPC dự báo, năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến đạt 14,38 triệu tấn, tăng 0,4% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; Việt Nam giảm 2,1%; trong khi sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 7,3%; Ấn Độ tăng 6%; Malaysia tăng 0,6% và các thị trường khác tăng 4,9%.
Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt gần 15,66 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2023. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến tăng 3,6%; Ấn Độ tăng 3%; Thái Lan tăng 1%; Malaysia tăng 54,7%; trong khi Việt Nam giảm 1% và các thị trường khác dự kiến giảm 3,7%. Qua đó cho thấy, thị trường cao su toàn cầu thiếu hụt tới 1,28 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm 2024, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà Hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024.
ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028.