Trong 4 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng ghi nhận 952 doanh nghiệp trên địa bàn quay trở lại hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Gần 1.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Cục Thống kê Đà Nẵng vừa cho biết, từ ngày 16/3 đến ngày 15/4, TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 428 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.433,4 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới trong kỳ giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, số vốn đăng ký giảm 40,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024, (tính đến ngày 15/4/2024), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.241 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 4.345,1 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới tương đương so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số vốn đăng ký giảm 22,4%.
“Điều này thể hiện sự thận trọng của doanh nghiệp mới thành lập trong đầu tư khi bắt đầu gia nhập thị trường”, Cục Trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng ghi nhận 952 doanh nghiệp trên địa bàn quay trở lại hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tiếp tục tăng cao với 2.897 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn TP Đà Nẵng có 221 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể và rút lui khỏi thị trường, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đối với 5 doanh nghiệp với số vốn giảm là 100,7 tỷ đồng. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 4 tháng là 8.957 hồ sơ, trong đó có 6.718 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 75%).
Hoạt động ngân hàng khởi sắc
Mặc dù tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tiếp tục tăng cao nhưng tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng vẫn khởi sắc. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 195.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam đạt 189.000 tỷ đồng, chiếm 96,9% tổng nguồn vốn, tăng 2,0% so với cuối năm 2023; tiền gửi ngoại tệ đạt 6.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng nguồn vốn, tăng 5,4% so với cuối năm 2023; tiền gửi tiết kiệm đạt 119.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2023; tiền gửi thanh toán đạt 76.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2023.
Hoạt động cho vay trên địa bàn cũng tăng trưởng khả quan, tính đến cuối tháng 4/2024, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 222.000 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 215.200 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối năm 2023; dư nợ ngoại tệ đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cuối năm 2023. Dư nợ ngắn hạn đạt 103.000 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng dư nợ, tăng 2,6% so với cuối năm 2023; dư nợ trung dài hạn đạt 119.000 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng dư nợ, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên tính đến ngày 20/4 đạt 7.911 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 1.902 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 6.009 tỷ đồng; trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (86,9%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 20/4 đạt 10.863 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.410 tỷ đồng, tăng 0,8%. Hoạt động chi thường xuyên đạt 6.434 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi quốc phòng (với tỷ trọng 25,4% trong tổng chi ngân sách) tăng 41,5%; chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề (chiếm 7,8%) tăng 8,5%; chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể (chiếm 7,6%) tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.