Với việc phát huy nội lực, những kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã vươn lên làm chủ công nghệ lắp đặt, thí nghiệm thiết bị tại dự án Trạm biến áp (TBA) 500kV Thanh Hóa, đáp ứng được yêu cầu tiến độ của dự án.
Theo EVNNPT, nếu phải thuê chuyên gia nước ngoài, việc lắp đặt, thí nghiệm thiết bị tại dự án TBA 500kV Thanh Hóa có thể không đáp ứng được tiến độ hoàn thành trước ngày 30/6/2024 và chi phí thuê chuyên gia rất lớn.
Tiết kiệm chi phí lớn nhờ tự chủ công nghệ
Theo kế hoạch tại Trạm biến áp (TBA) 500kV Thanh Hóa, các đơn vị trực thuộc EVNNPT (gồm các Công ty Truyền tải điện và Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện) đã triển khai thực hiện công tác lắp đặt 6 pha máy biến 500kV-200MVA, lắp đặt thiết bị nhất thứ phía 500kV, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị nhất, nhị thứ tại trạm, cấu hình hệ thống điều khiển máy tính TBA; lắp đặt 2 kháng bù ngang 500kV – 60 MVAr và 65 MVAr và 2 bộ tụ bù dọc 2000A- 30,5 hm cùng các thiết bị liên quan như máy cắt, dao cách ly,… Đây là các hạng mục chủ yếu và quan trọng nhất trong dự án TBA 500kV Thanh Hóa.
Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ đóng điện của dự án trước ngày 30/6/2024, EVNNPT đã điều động các thiết bị 500kV từ các TBA 500kV trên lưới.
Trước tính chất quan trọng của dự án, ngay từ ngày 10/5/2024, Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) đã huy động toàn bộ lực lượng của các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2, 3, 4 và phối hợp với các Công ty Truyền tải điện (PTC) để tháo các thiết bị và bàn giao cho đơn vị vận chuyển để kịp thời vận chuyển về TBA 500kV Thanh Hóa.Đồng thời, kể từ ngày 21/5/2024, toàn bộ lực lượng của 4 Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật thuộc NPTS đã huy động tổng lực, tăng cường thi công lắp đặt thiết bị nhất thứ sân phân phối 500kV, lắp đặt và đấu nối nhất, nhị thứ 2 kháng bù ngang 500kV, 2 tụ bù dọc 500kV và các thiết bị liên quan, 6 pha máy biến áp 500kV cũng như hỗ trợ nhà thầu xây lắp đấu nối nhị thứ 2 ngăn lộ 500kV.
Trong quá trình triển khai dự án, các hạng mục như lắp đặt kháng bù ngang, tụ bù dọc 500kV đều cần đến chuyên gia của các hãng sản xuất. Tuy nhiên do thời gian gấp, việc đàm phán với chuyên gia cần nhiều thời gian cũng như chi phí cao.
Nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các công tác liên quan đến tháo dỡ, lắp đặt, cài đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh các tụ bù dọc hãng GE đáp ứng tiến độ dự án trong điều kiện không có chuyên gia hãng sản xuất hỗ trợ công tác giám sát, EVNNPT giao NPTS chủ động lên phương án, thực hiện việc tháo dỡ, lắp đặt, cấu hình, cài đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh 2 giàn tụ bù dọc; phối hợp với các Công ty Truyền tải điện và nhà thầu các gói thầu vận chuyển đảm bảo việc bảo quản, đóng gói an toàn tuyệt đối cho thiết bị giàn tụ bù trong quá trình vận chuyển, không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ cấp bách của dự án TBA 500kV Thanh Hóa, trong đó có công tác giám sát lắp đặt các thiết bị nhất thứ như máy biến áp 500kV-600MVA, máy cắt, EVNNPT đã chỉ đạo Ban Kỹ thuật và đơn vị trực thuộc cử các cán bộ đã được đào tạo chuyên sâu về máy biến áp, thiết bị nhất thứ tham gia hỗ trợ công tác giám sát lắp đặt.
Đối với công tác cấu hình, cài đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống điều khiển bảo vệ các tụ bù dọc, NPTS đã nghiên cứu và kết nối hệ thống điều khiển bảo vệ các tụ bù dọc với hệ thống điều khiển máy tính tại TBA 500kV Thanh Hóa (hệ thống cũng do NPTS thực hiện cấu hình) và thực hiện công tác cài đặt, cấu hình của thiết bị điều khiển bảo vệ tụ (PLC).
Đối với công tác thí nghiệm hiệu chỉnh, NPTS đáp ứng đủ nhân lực, trình độ và thiết bị để thực hiện được công tác thí nghiệm nhất thứ, nhị thứ và mô phỏng các chức năng bảo vệ các tụ bù dọc.
“Việc làm chủ được công nghệ lắp đặt, thí nghiệm các thiết bị tại TBA 500kV Thanh Hóa đặc biệt là hệ thống tụ bù dọc, kháng bù ngang, máy biến áp 500kV đã góp phần giúp cho EVNNPT giảm sự phụ thuộc về công nghệ đối với các hãng sản xuất, qua đó giúp cho EVNNPT tiết kiệm hàng chục tỷ đồng (chi phí cho chuyên gia GE thực hiện công tác giám sát tháo dỡ và lắp đặt 2 bộ tụ bù dọc 2000A-30, chi phí chuyên gia lắp đặt kháng, máy biến áp, máy cắt 500kV)”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc NPTS cho biết.
Tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ TBA
Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa hoàn thành không chỉ nâng cao khả năng truyền tải lưới điện Trung – Bắc mà còn có nhiệm vụ tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa và khu vực lân cận, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp không ít khó khăn khi khối lượng san gạt lớn, thời gian thi công gấp. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của lãnh đạo EVN, EVNNPT và tinh thần làm việc “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp” của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án nên đã hoàn thành sớm 2 ngày so với tiến độ đề ra.
Đến nay, công trình đã đóng điện thành công (ngày 28/6/2024), qua đó chứng tỏ sức mạnh trí tuệ tập thể của người lao động trong toàn EVNNPT nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng
Để đạt được kết quả này, EVNNPT đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Ban lãnh đạo EVNNPT luôn theo sát tiến độ hàng ngày, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; huy động tổng lực nhân lực, máy thi công từ các Công ty Truyền tải điện và Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện.
Thời điểm cao nhất có hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia thi công công trình cùng vài chục phương tiện và thiết bị thi công.
Cùng với đó, lãnh đạo EVNNPT, lãnh đạo, kỹ sư, công nhân của NPTS, Ban Kỹ thuật, Ban Quản lý xây dựng của EVNNPT, các Phòng Kỹ thuật và các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật đã bám sát hiện trường, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trong quá trình thực hiện dự án.
Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo EVNNPT, các đơn vị cộng với sự quyết tâm cao độ của toàn thể CBCNV EVNNPT đã làm nên kỳ tích, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn vượt tiến độ đề ra.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Các kỹ sư, người lao động trong toàn EVNNPT nói chung và PTC, NPTS nói riêng luôn tích cực chủ động học hỏi các kiến thức mới, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ lắp đặt, thí nghiệm các thiết bị trong TBA và cấu hình hệ thống điều khiển máy tính trên lưới truyền tải điện, giúp cho EVNNPT chủ động trong công tác lắp đặt, thí nghiệm và cấu hình hệ thống điều khiển máy tính khi xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các TBA.
“Từ thành công của TBA 500KV Thanh Hóa tin tưởng rằng, CBCNV trong EVNNPT hoàn toàn làm chủ được các công tác lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh tại tất cả các TBA sử dụng các loại công nghệ khác nhau”, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến nhấn mạnh.
Toàn Thắng