Sau bão lũ, để đảm bảo an toàn, với những học trò phải di chuyển trên cung đường bị sạt lở, nhà trường cử thầy cô đến điểm tập kết đón…
Sau khi khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, nhiều trường học sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, với những học trò phải di chuyển trên cung đường bị sạt lở, nhà trường cử thầy cô đến điểm tập kết đón; đồng thời tăng cường công tác phòng dịch…
Dạy, học giữa bộn bề khó khăn
Trường PTDTBT THCS Vũ Chấn, (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) có 191 học sinh, phần lớn là người dân tộc Tày, Nùng, Dao. Trong đợt ngập lụt do địa hình bị chia cắt toàn, bộ học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sau khi bão lũ qua đi, trường đã đón học sinh quay trở lại học tập, tuy nhiên, hiện trường vẫn trong tình trạng mất điện nên nguồn, nước sạch sinh hoạt cũng chưa có.
Thầy Nguyễn Hữu Minh – Hiệu trưởng cho biết: “Để duy trì sinh hoạt cho học sinh, nhà trường phải dẫn nguồn nước trực tiếp từ các khe suối về tận khu nội trú”.
Tương tự, tại Trường Mầm non Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), với lượng đất lớn sạt xuống, nhiều vết nứt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… nên nhà trường đã xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn và UBND xã Quảng Bạch di dời các lớp học và phòng làm việc đến địa điểm khác để giảng dạy.
Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Mến cho hay: “Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo UBND xã, thôn mượn nhà văn hoá để đón trò đến lớp. Hiện nay, 84 trẻ của 4 lớp phải học tập, sinh hoạt và ăn bán trú tại nhà văn hoá thôn, xã. Đồng thời, bếp ăn được bố trí ở nhà các cô nuôi”.
“Sau bão số 3, Sở GD&ĐT Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị tiến hành triển khai sửa chữa cơ sở hạ tầng, di dời thiết bị khỏi những nơi chưa an toàn. Sở tổ chức các đoàn kiểm tra từ sở đến các địa phương, trường, nhất là điểm trường gần sông, suối, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, tổ chức hỗ trợ cho giáo viên, học sinh, đặc biệt những gia đình thiệt hại nặng”, bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết.
Ngày18/9, Trường Tiểu học & THCS Minh Chuẩn (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) chính thức đón học sinh trở lại trường học tập sau nhiều ngày bị cô lập vì bão lũ. Đây cũng là ngôi trường cuối cùng trên địa bàn huyện Lục Yên đón học sinh trở lại học tập sau ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3.
Chia sẻ thông tin, cô Vũ Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Minh Chuẩn đồng thời trao đổi: “Trước khi đón học sinh trở lại trường, nhà trường đã phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị để đảm bảo điện, nước cho các phòng học. Riêng các phòng nghỉ bán trú chưa kịp khắc phục nhưng nhà trường sẽ sớm giải quyết vấn đề này”.
Do tình trạng nước ngập sâu nên nhiều thiết bị dạy học của Trường Tiểu học & THCS Minh Chuẩn bị hư hỏng tivi, bảng điện tử… “Chúng tôi chủ động mượn tivi nhà dân để phục vụ công tác giảng dạy. Nhà trường cũng báo cáo lên lãnh đạo địa phương để đề xuất hỗ trợ, khắc phục những thiết bị còn thiếu để phục vụ giảng dạy cho học sinh”, cô Thu Hương cho biết.
Tại Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), thông tin từ cô Hiệu trưởng Bùi Thị Phương Nga: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa khắc phục được nhiều, chỉ đảm bảo để đón trẻ trở lại lớp học. Nhà trường bị trôi hết đồ dùng dạy học, chăm nuôi bán trú trong trận lũ như tủ cơm, tủ lạnh hỏng, bát đũa, bàn ghế ngập sâu trong bùn đất…
Hiện trường phải mua nợ một tủ cơm, một tủ lạnh và bàn ghế để thay thế, toàn bộ bát đĩa, thìa cũng phải sắm mới để đảm bảo sinh hoạt cho trẻ. Thực phẩm như gạo, muối, gia vị… nhà trường đã mua trước đó cũng trôi hết. Rất may mắn việc cung ứng lương thực của các nhà cung cấp khi trẻ trở lại trường đã không tăng giá mà vẫn đảm bảo các yêu cầu chung….”.
Ngày 18/9, hơn 300 học sinh khối 12 của Trường THPT Lý Thường Kiệt (tỉnh Yên Bái) đi học nhờ tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Học sinh các khối 10, khối 11 còn giúp nhà trường khắc phục hậu quả sau mưa lũ để đảm bảo vệ sinh, sớm trở lại học tập tại trường.
Tuy nhiên, theo thầy Lương Quang Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, do tình trạng mưa lũ, nước máy rất hiếm nên để có nguồn nước khắc phục vệ sinh vô cùng khó khăn. Về cơ sở vật chất và các nhu yếu phẩm, nhà trường được nhà hảo tâm nhanh chóng, kịp thời giúp đỡ học sinh nên việc sớm ổn định các điều kiện cơ bản sau mưa lũ.
Tại huyện Chương Mỹ – nơi “rốn lũ” của Hà Nội, cô Kiều Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cho hay, tính đến ngày 18/9, sân trường vẫn ngập sâu, nước tràn vào phòng học tầng 1 nên trường chưa thể mở cửa đón học trò trở lại. Hơn 200 học sinh của trường phải đi học nhờ tại các trường bạn như: Tiểu học Nam Phương Tiến B, THCS Nam Phương Tiến B.
“Những ngày cuối tuần vừa qua, nhà trường phối hợp cùng phụ huynh học sinh tổ chức di chuyển một số bàn ghế, dụng cụ học tập sang trường bạn để các em học nhờ. Thương học trò mùa Trung thu năm nay không được học ở trường do ngập nước, chúng tôi cũng đã phát quà và cùng các em tổ chức đón Trung thu ngay tại Nhà văn hóa thôn một cách đơn giản, ấm cúng”, cô Hoa rơm rớm nước mắt nói.
Để hỗ trợ trường bị thiệt hại nặng nề, cán bộ, giáo viên học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) đã dùng số tiền tổ chức Trung thu để mua một tủ lạnh, một tủ sấy bát và nhu yếu phẩm gửi đến ủng hộ Trường Mầm non Tú Xuyên (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) bị ngập nặng. Đồng thời, nhà trường tặng 1.200 quyển vở, 200 bánh mì ngọt cho Phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng và Trường Tiểu học & THCS Tràng Phái (huyện Văn Quan).
Cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi tặng tủ lạnh và máy sấy sau khi nắm bắt được thông tin nhà trường bị ngập, các thiết bị hư hỏng. Sau khi trẻ trở lại trường, các em phải ăn bán trú ngay nên các thiết bị này vô cùng cần thiết”.
Cõng trò đến lớp
Sau khi bão đi qua, nhiều đoạn đường đến Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và một số điểm trường bị sạt lở nghiêm trọng, xe máy không thể đi lại, thầy cô, học trò chỉ có thể đi bộ vào trường.
Để học sinh đến trường an toàn, nhà trường phối hợp cùng Bí thư chi bộ, trưởng thôn và phụ huynh học sinh thống nhất phương án đón, đưa học sinh bán trú từ điểm lẻ về trường chính.
Thầy Hoàng Hồng Giang – Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã bố trí tập kết học sinh tại hai điểm trường là Kim Ngan và Xà Chải; giáo viên sẽ đi bộ từ trường chính đến điểm trường lẻ để nhận bàn giao học sinh từ phụ huynh. Sau khi nhận đủ số lượng học sinh, thầy cô dẫn học trò đi bộ từ điểm trường lẻ về trường chính. Riêng học sinh bán trú, có những em lớp 1, 2 khi qua các điểm sạt lỡ, đường khó đi thầy cô đảm nhiệm cõng, bế để đảm bảo an toàn.
Được biết, với quãng đường đi bộ 5km từ điểm trường lẻ đến trường chính, nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 cần nghỉ giữa đường. Thầy cô bố trí bánh, nước, sữa cho trò ăn sau đó mới tiếp tục hành trình.
Tại Yên Bái, để đảm bảo cho giáo viên và học sinh trở lại trường học an toàn, sở GD&ĐT đã yêu cầu toàn ngành Giáo dục tập trung khẩn trương khắc phục những hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn.
Sở yêu cầu phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường trung cấp; các đơn vị trực thuộc triển khai những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến của thời tiết; các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến đơn vị để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục, di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.
Ngành Giáo dục cũng cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập; lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên, học sinh.
Hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường… phải thường xuyên được rà soát, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, cơ sở giáo dục gần sông, suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.
Ông Đào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái nhấn mạnh: “Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, giáo viên ở thời điểm sau bão lũ là cần thiết và phải tập trung làm ngay.
Ngoài ra, các thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh, trường học trên địa bàn do mưa lũ được ngành Giáo dục Yên Bái đặc biệt quan tâm, tìm phương án giải quyết. Hầu hết trường học đã nghiêm túc khảo sát, khắc phục và thường xuyên theo dõi tình hình để các lớp học trở lại sau lũ được an toàn tuyệt đối”.
Chú trọng công tác phòng dịch
Sau cơn bão, các trường không chỉ tập trung sửa chữa cơ sở vật chất mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh. Tại Yên Bái, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị phối hợp với cơ quan y tế để khử trùng; làm vệ sinh trường, lớp, đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão.
Theo đó, các trường phải chủ động phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa bão lũ (đau mắt đỏ, ngoài da, đường tiêu hóa…); đảm bảo đủ dụng cụ, thiết bị y tế, các loại thuốc tại phòng y tế trường học theo quy định. Bố trí xà phòng rửa tay, nước khử khuẩn cho học sinh, cán bộ giáo viên để thực hiện công tác phòng dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
Với trường nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú, trường mầm non và trường tổ chức nấu ăn cho học sinh, Sở GD&ĐT Yên Bái yêu cầu phải đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các loại thực phẩm phải được nấu chín trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm kém chất lượng. Nước dùng cho học sinh ăn uống phải được khử trùng và đun sôi, nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên.
Đối với nơi chưa có nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt, sở yêu cầu thực hiện biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt theo hướng dẫn (có sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt gửi kèm); liên hệ với trạm y tế, trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, hóa chất xử lý nguồn nước…
Qua rà soát của ngành Y tế, tỉnh Lào Cai có gần 16.000 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ngay từ trước cơn bão số 3, các đơn vị y tế, đặc biệt ở tuyến huyện, xã đã chủ động dự trù đầy đủ trang thiết bị, hóa chất để sẵn sàng khử khuẩn phòng dịch. Các khu dân cư, trường học, chợ bị ngập nước là những địa bàn ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Phạm Văn Vũ – cán bộ Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai, việc tổ chức giám sát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ngành triển khai sâu rộng, trên tinh thần phát hiện kịp thời, xử lý triệt để, không để dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền yêu cầu thường xuyên, liên tục trong và sau mưa lũ.
“Người dân cần đảm bảo nguồn nước, xử lý xác động vật chết, rác thải sinh hoạt, ngoài ra cần phòng các bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da hay bệnh tả lỵ”, ông Vũ nói.
Về vấn đề phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh cho các đơn vị trường học đón học sinh trở lại sau bão lũ, bà Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái thông tin: Bão số 3 đi qua, sở Y tế đặc biệt quan tâm triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh cho học sinh.
Ngoài việc lưu ý các đơn vị dọn dẹp bùn, rác thải, ngành Y tế triển khai ngay phun khử khuẩn môi trường ở trường học. Phát viên khử khuẩn CloraminB để thầy cô giáo pha vào dung dịch nước lau chùi bàn ghế, cửa sổ hoặc nước giếng trong trường học (nếu có), các khu vực liên quan đến bàn ghế, biển bảng…
“Chúng tôi sẽ lên danh sách trẻ em bị ảnh hưởng lũ lụt để triển khai khám chữa bệnh. Chúng tôi chỉ đạo các phòng khám khi thu nhận bệnh nhân, quan tâm đặc biệt khi tiếp nhận bệnh nhân là học sinh mắc bệnh dịch sau lũ, như tiêu chảy, đau mắt đỏ… để có những hỗ trợ và quan tâm kịp thời”, bà Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.
Đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra sau khi bão qua, Phòng GD&ĐT huyện Ba Bể (Bắc Kạn) chủ động phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát; đảm bảo điều kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại trường.
Chia sẻ của ông Vũ Xuân Quảng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Bể (Bắc Kạn), ngoài tăng cường phối hợp với các ban ngành địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng, phòng tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt các gia đình bị thiệt hại về tài sản…
Còn tại Trường PTDTNT THCS & THPT Tràng Định (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), sau khi bão qua nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực tổng vệ sinh, khử khuẩn, kiểm tra lại hệ thống chứa nước nhằm đảm bảo nguồn nước an toàn, vệ sinh.
“Sau khi học trò đi học trở lại, chúng tôi đặc biệt chú ý đến sức khoẻ của các em. Vì vậy, nhà trường yêu cầu nhân viên y tế sát sao, trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình. Khi học sinh có dấu hiệu ốm, sốt cần kiểm tra sức khoẻ, nếu trường hợp có dấu hiệu nặng nhà trường sẽ chuyển lên tuyến trên để kịp thời chăm sóc y tế, tránh lây lan cho học sinh khác.
Đồng thời, các thầy cô trực nội trú ngoài giảng dạy sẽ nắm bắt tinh thần, sức khoẻ của học sinh. Tạo tâm lý để học sinh yên tâm học tập, sinh hoạt tại trường”, thầy Hiệu trưởng Lương Hồng Quang nói.
Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam mặc dù không bị thiệt hại nặng do bão nhưng đến ngày 18/9 còn 3 điểm trường của các Trường Mầm non Thanh Hải, Mầm non Thanh Nghị và Mầm non Thanh Thủy bị ngập nước, cắt điện nên không tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà, các cô giáo phối hợp với phụ huynh qua Zalo nhóm lớp để hướng dẫn một số kỹ năng cho trẻ, khi nào nước rút, trẻ đi học trở lại sẽ tiếp tục củng cố lại kiến thức, kỹ năng đó.
Theo Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT Thanh Liêm Đỗ Văn Bính, toàn huyện có 51 trường từ mầm non, tiểu học đến THCS với khoảng 28.000 trẻ/học sinh.
Sau bão lũ, các bệnh: Đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, dịch tả, cúm, các bệnh về da liễu… dễ phát sinh nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh được huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao bộ phận y tế địa phương đã phối hợp phun khử khuẩn ở các trường bằng dung dịch Cloramin-B.
“Chúng tôi quán triệt và kiểm tra thường xuyên các nhà trường trong khâu phòng chống dịch bệnh, an toàn bán trú. Sở GD&ĐT Hà Nam đã có hướng dẫn cụ thể về các yêu cầu, giải pháp cho vấn đề này, các trường phải bám sát để thực hiện nghiêm túc. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các trường tổ chức bán trú trên địa bàn vẫn duy trì tốt công tác này. Nguồn thực phẩm đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng”, ông Bính thông tin.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thắm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Thịnh (huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên), đưa trẻ quay trở lại trường rất quan trọng bởi nếu nghỉ học, nhiều phụ huynh không biết gửi ở đâu, từ đó có thể dẫn đến nhiều nguy cơ gây mất an toàn.
Do đó, ngay khi nước rút, trường đã huy động cán bộ, giáo viên vệ sinh, thau rửa đồ dùng, đồ chơi bằng nước sạch và phun khử khuẩn để phòng tránh dịch bệnh. Công tác bán trú cũng được tổ chức khi trẻ đi học.
Mưa lũ nên thực phẩm tăng giá, tuy nhiên trường đã có thông báo và thống nhất với cơ sở cung cấp thực phẩm, phụ huynh để nhận được sự đồng thuận từ các bên, làm sao có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng cho trẻ.
Nhóm PV