Cuộc sống người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vốn dĩ đã gắn liền văn hoá sông nước trong hàng trăm năm qua.
Tác giả bài viết Lorna Parkes đã chia sẻ về hành trình dài ngày khám phá Đồng bằng sông Cửu Long và Côn Đảo trong một bài viết trên tạp chí National Geographic.
Theo tác giả, tại Đồng bằng sông Cửu Long, cộng đồng người dân vẫn duy trì cuộc sống hàng ngày như vốn có nhưng vẫn bắt nhịp tốt với xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á.
“Theo dòng sông dài, những chiếc thuyền lớn nằm dưới bóng hàng dừa. Hay những chiếc thuyền nhỏ chở đầy tôm cá và trái cây như mít, sầu riêng. Những hình ảnh đó khiến tôi thực sự ấn tượng”, tác giả chia sẻ.
Đến đồng bằng sông Cửu Long, du khách rất dễ bị lạc vào mê cung sông nước khi ngang qua đây. Tôi đã đi thuyền trên đồng bằng sông Cửu Long và có những trải nghiệm độc đáo riêng ở khu vực này.
“Sau đó, chúng tôi đi sâu hơn về phía tây để đến thành phố Cần Thơ và trải nghiệm văn hóa sông nước ở đây”, Lorna Parkes viết.
Các chuyến du ngoạn trên sông nước là trải nghiệm khác biệt so với những nơi khác. Khách sạn đã mọc lên nhiều hơn ở đây. Từ lâu đời, người dân đồng bằng sông Cửu Long đã gắn liền với cuộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp.
Là khu vực đóng góp 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất gạo, trái cây và hải sản lớn nhất của đất nước. Cuộc sống sông nước đã gắn liền với người dân ở đây trong thời gian dài.
Những cánh đồng lúa trải dài từ bờ sông đến các trang trại đã duy trì qua nhiều thế hệ. Ngư dân đánh cá thường sinh sống trong những ngôi nhà lá dọc các nhánh sông.
Bến Tre “say đắm” những bóng dừa
“Đến tỉnh Bến Tre, những gì chúng tôi thấy đầu tiên là cuộc sống của người dân xung quanh những trái dừa – đặc sản của vùng đất này. Chúng tôi đi ngang qua, nhìn thấy bóng dáng người mẹ – người chị khom lưng trong sân, đang lột vỏ trái dừa vừa thu hoạch bằng dao. Những nhà kho mở cửa chất đầy những trái dừa”, tác giả viết.
Với diện tích đất trồng dừa lớn, người dân Bến Tre sản xuất lên đến hàng trăm triệu quả dừa mỗi năm. Loại trái cây này cũng được xuất khẩu đến Nhật Bản và Hàn Quốc để lấy nước, sữa, cùi và xơ dừa.
Jerry – hướng dẫn viên của chúng tôi nói rằng văn hóa ở đồng bằng sông Cửu Long đã tồn tại ở Việt Nam trong hàng trăm năm. Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng một chương trình thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến khu vực nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và điều kiện sống.
Không phải tất cả cộng đồng người dân đồng bằng sông Cửu Long đều sống gần bờ sông như vậy. Đi vào bên trong là một ngôi làng Khmer nằm sâu trong tỉnh Vĩnh Long, cách Bến Tre hai tiếng rưỡi về phía tây.
Là nơi sinh sống của một cộng đồng người Khmer lớn, Vĩnh Long sở hữu ngôi chùa Khmer tuyệt đẹp, được gọi là Chùa Phù Ly 1. Được bao quanh bởi những cây sao cổ thụ và những cây thốt nốt xanh mát nên Chùa Phù Ly 1 có khung cảnh rất thanh tịnh là điểm du lịch Vĩnh Long ấn tượng mà du khách không nên bỏ qua.
Ghé thăm Côn Đảo
Điểm dừng chân tiếp theo của tôi là Côn Đảo – một quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ. Theo tác giả, Côn Đảo giờ đây là một khu vực đang thay đổi.
“Ngay khi đến đây, tôi đã có cơ hội tận mắt nhìn thấy những đội tàu đánh cá và thuyền câu mực nhỏ đủ màu sắc, nhấp nhô ngoài khơi, ví như hàng nghìn hòn đảo vệ tinh nhỏ lấp lánh”, tác giả mô tả cảnh quan Côn Đảo.
Những ngọn núi cao nằm dọc một bên đường và bên kia nhìn ra những bãi biển vắng vẻ.
“Cách đây 30 năm, việc có khách sạn trên quần đảo là điều không thể tưởng tượng được nhưng giờ đây, Côn Đảo đã thay đổi” tác giả viết.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà tù Côn Đảo, từng được ví như “địa ngục trần gian” trong quá khứ.
Và nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.
Đây cũng là nơi đặt phần mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, một anh hùng dân tộc đã trở thành biểu tượng của Côn Đảo.
Bảo tồn rùa biển
Ngày nay, Côn Đảo đang thúc đẩy phát triển du lịch thiên nhiên. Những con đường đi bộ thu hút người đi bộ đường dài và những chuyến xe đưa du khách đến khu vực yên tĩnh.
“Vào buổi sáng, tôi cầm xô đi bắt cua. Di chuyển bằng thuyền đến một khu vực, tôi đã có cơ hội thưởng thức hải sản mực và cua Côn Đảo được đánh bắt trực tiếp từ lưới ngoài khơi”, Lorna Parkes chia sẻ
Theo tác giả, công tác bảo tồn rùa được làm rất tốt ở đây. Người dân biết rất ít về hoạt động di chuyển của rùa biển quanh đảo cho đến năm 2017, ở bờ biển phía đông của đảo Côn Sơn phát hiện ra một con rùa cái đã lên bờ đẻ trứng.
Rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam quan tâm bảo vệ.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hành động bảo tồn các loài rùa biển trong đó Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công chương trình này.
Thật may mắn, tôi đã đến Côn Đảo đúng vào đúng thời điểm rùa sinh sản. Khi tôi đến thăm, tôi đã thấy một đàn rùa con có kích thước bằng lòng bàn tay.
Jun Nishimura, Trợ lý Giám đốc phát triển bền vững của khu nghỉ dưỡng Resort Six Senses Côn Đảo giải thích thông thường, rùa cái đẻ trứng vào ban đêm ở các bãi cát trên các hoang đảo hay đất liền. Để tăng cơ hội sống sót cho rùa, các chuyên gia bảo tồn thường di dời ổ trứng đến một khu vực ấp trứng được che chắn, mô phỏng theo điều kiện làm tổ tự nhiên của chúng.
Và những bước đi đầu tiên của rùa sẽ in dấu sinh học của chúng với vị trí của bãi biển này, thu hút những con rùa cái quay trở lại khi chúng đẻ trứng”, ông Jun Nishimura nói./.
Hồng Nhung