Thị trường du học Mỹ đang đối mặt với những biến động chưa từng có khi chỉ trong vòng một tháng, hơn 800 du học sinh tại hơn 160 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ đã bị tước visa. Trong đó, loại visa bị ảnh hưởng nhiều nhất là F-1 (cho sinh viên toàn thời gian) và J-1 (cho diện trao đổi). Diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam – quốc gia đang đứng thứ 6 về số lượng sinh viên học tập tại Mỹ.

Tình trạng tước visa hiện đã lan tới 29 tiểu bang và ảnh hưởng tới cả các trường công lập lẫn tư thục hàng đầu như Đại học California, Đại học Harvard, Stanford, MIT và Yale. Một số trường chỉ phát hiện sinh viên bị tước visa khi kiểm tra hệ thống dữ liệu SEVIS từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Nhiều cán bộ nhà trường thừa nhận không được thông báo trước và hoàn toàn bị động trước các quyết định từ cơ quan di trú.
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân khiến visa bị hủy rất đa dạng. Có trường hợp từng tham gia biểu tình phản chiến, vận động chính trị; một số khác bị cáo buộc vi phạm hình sự dù đã được tuyên vô tội hoặc vụ án đã bị bác bỏ. Ngoài ra, một số hành vi như lái xe trong tình trạng say xỉn hoặc vượt quá tốc độ cũng có thể trở thành lý do khiến visa bị tước.
Dù tình hình visa có phần căng thẳng, nhiều lãnh đạo đại học Mỹ vẫn khẳng định họ tiếp tục chào đón sinh viên quốc tế. Đại học California Riverside (UCR) cho biết nguồn tài trợ từ chính phủ và doanh nghiệp vẫn ổn định, không bị cắt giảm, và nhà trường đang trong quá trình mở rộng quy mô tuyển sinh, bao gồm cả sinh viên quốc tế.
Đối với du học sinh Việt Nam, điều đáng mừng là các trường ĐH Mỹ vẫn duy trì nhiều tầng hỗ trợ. Tại UCR, có một văn phòng tư vấn nhập cư chuyên biệt giúp sinh viên chuẩn bị hồ sơ xin visa, đảm bảo duy trì tình trạng cư trú hợp pháp trong quá trình học, cũng như hỗ trợ các thủ tục thực tập CPT và OPT. Một số trường còn chủ động tổ chức kết nối sinh viên với các khoa và khu ký túc xá để tạo cảm giác an toàn, giúp du học sinh biết tìm đến ai khi gặp khó khăn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các đại diện của các trường có mô hình chuyển tiếp như Đại học Keiser (KUV) nhận định rằng việc học giai đoạn đầu tại Việt Nam rồi chuyển tiếp sang Mỹ đang trở thành lựa chọn được nhiều phụ huynh quan tâm. Mô hình này giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn về tiếng Anh, môi trường học tập, cũng như giảm thiểu rủi ro bị từ chối visa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, một số chuyên gia giáo dục khuyến nghị du học sinh Việt nên hạn chế đăng tải những nội dung mang tính chất gây tranh cãi trên mạng xã hội, cả trước và sau khi đến Mỹ. Ngoài ra, việc chuẩn bị kỹ kế hoạch học tập, bao gồm cả lộ trình sau khi tốt nghiệp, sẽ tăng khả năng được xét cấp visa.
Theo số liệu từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), năm 2023, có hơn 31.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên số lượng vượt mốc 30.000 sau hai năm giảm nhẹ. Trong số đó, khoảng 3.187 người theo học tại các cấp phổ thông, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 về số lượng du học sinh bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông tại Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và Tây Ban Nha.
Hiện tại, dư luận vẫn đang dõi theo những động thái tiếp theo của chính phủ Mỹ, nhất là khi Ngoại trưởng Marco Rubio yêu cầu xét duyệt nghiêm ngặt hồ sơ visa du học, kể cả kiểm tra tài khoản mạng xã hội để loại trừ các “thái độ thù địch với công dân hoặc văn hóa Mỹ”. Tuy nhiên, các trường đại học Mỹ vẫn tin rằng những chính sách không hợp lý sẽ sớm bị phản biện tại tòa án, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hỗ trợ pháp lý và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền lợi sinh viên.
Với bối cảnh nhiều thách thức đan xen cơ hội, du học sinh Việt Nam không nên hoang mang, nhưng cần tỉnh táo, chủ động và kỹ lưỡng hơn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, hành trình học tập và sinh hoạt tại Mỹ.