Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư đang chảy tích cực vào thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
Đóng cửa (12/9), chỉ số MXV-Index tăng 1,5% lên 2.102 điểm. Đáng chú ý, bảng giá nhóm năng lượng và kim loại rực xanh. Trong đó, giá dầu thế giới nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ hai trong bối cảnh hoạt động sản xuất tại khu vực vịnh Mexico của Mỹ chịu ảnh hưởng nặng từ cơn bão Francine. Giá bạc cũng có phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 6 năm nay khi bứt phá hơn 4% lên mức cao kỷ lục trong hai tháng trở lại đây.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng do ảnh hưởng của bão Francine
Giá dầu thế giới nối dài đà hồi phục sang phiên thứ hai khi hoạt động sản xuất dầu thô tại khu vực vịnh Mexico của Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng từ cơn bão Francine. Kết phiên giao dịch ngày 12/9, dầu thô WTI tăng 1,66 USD, tương đương 2,5%, chốt ở mức 68,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,9% lên mức 71,97 USD/thùng.
Theo Cục An toàn và Thực thi môi trường Mỹ, tổng nguồn cung bị ảnh hưởng tại vịnh Mexico của Mỹ sau khi cơn bão Francine đổ bộ vào khu vực này đã lên tới con số 730.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 42% tổng sản lượng dầu thô tại khu vực. Các nhà phân tích của UBS ước tính sản lượng trung bình trong tháng này từ Vịnh Mexico sẽ giảm khoảng 50.000 thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, tác động của cơn bão Francine có thể sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hoạt động sản xuất tại khu vực này sẽ sớm được khôi phục lại.
Trong khi đó, các vấn đề tranh chấp tại Libya vẫn chưa được giải quyết bất chấp các nỗ lực trước đó, điều này làm dấy lên lo ngại nguồn cung tại quốc gia này sẽ tiếp tục bị tạm dừng. Phái bộ Libya của Liên Hợp Quốc cho biết rằng các phe phái Libya đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng trung ương đã cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu. Theo dữ liệu của Kpler, xuất khẩu dầu của Libya đã giảm hoảng 81% vào tuần trước khi Tập đoàn Dầu khí Quốc đã gia hủy bỏ các lô hàng xuất khẩu.
Sắc xanh trên thị trường cũng nhận được sự hỗ trợ từ quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cụ thể, ECB đã quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ sở tiền gửi Khu vực đồng euro xuống 3,5%. Động thái của ECB khiến thị trường đặt niềm tin vào một quyết định tương tự vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên họp diễn ra trong tuần tới.
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường kim loại
Theo MXV, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường kim loại hỗ trợ tất cả mặt hàng đồng loạt tăng giá. Đóng cửa ngày hôm qua, thị trường kim loại đã phiên khởi sắc thứ hai liên tiếp. Đối với kim loại quý, giá bạc bứt phá hơn 4% lên 30,1 USD/ounce, mức cao nhất hai tháng trở lại đây. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất của giá bạc kể từ giữa tháng 6 năm nay. Giá bạch kim tăng khiêm tốn hơn khi tăng 2,72% lên 982,2 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng một tháng rưỡi.
Giá kim loại quý tiếp tục được hỗ trợ sau khi Mỹ công bố các dữ liệu kinh tế củng cố cho kịch bản hạ lãi suất vào tuần sau. Cụ thể, theo Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) và PPI lõi của Mỹ tăng lần lượt 1,7% và 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Cả hai con số này đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo, phản ánh lạm phát tại khu vực nhà máy hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng 2.000 lên mức 230.000 đơn, vượt qua dự báo của thị trường là 227.000 đơn.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất xuống 3,5% từ mức 3,75%, đánh dấu lần thứ hai liên tiếp ngân hàng này cắt giảm lãi suất. Động thái này của ECB đã làm gia tăng niềm tin về việc Fed cũng sẽ có động thái tương tự trong cuộc họp quan trọng vào tuần sau.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng ổn định từ 1-2%. Trong đó, giá đồng COMEX tăng hai phiên liên tiếp với mức tăng 1,29% lên 9.249 USD/tấn, mức cao nhất hai tuần. Giá quặng sắt cũng tăng lên mức cao nhất hơn một tuần nhờ tăng 2,18% lên 94,76 USD/tấn. Giá hai mặt hàng này đang phục hồi trong những phiên gần đây chủ yếu là nhờ kỳ vọng tiêu thụ sẽ tăng khi Trung Quốc bước vào mùa tiêu thụ cao điểm. Tháng 9-10 hằng năm được coi là giai đoạn cao điểm tiêu thụ kim loại tại nước này, do đây là “thời điểm vàng” của hoạt động xây dựng cuối năm.
Bên cạnh đó, việc giá hai mặt hàng này giảm mạnh trong thời gian gần đây càng thúc đẩy các nhà máy hạ nguồn đẩy nhanh hoạt động tích trữ, đặc biệt là để phục vụ cho sản xuất trong kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu và Quốc khánh sắp tới.