Từ thực tế cơ quan điều tra triệt phá nhiều vụ án liên quan đến sữa giả, sản phẩm giả cho thấy, đối tượng làm giả còn tinh vi đến mức đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm đó tại cơ quan quản lý Nhà nước. Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đề xuất nhiều tội phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…
Cảnh báo thủ đoạn làm giả sản phẩm tinh vi mới
Vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin về vụ án này với báo chí, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, các nghi phạm sử dụng hai thủ đoạn chính là lợi dụng quy định của Nhà nước, trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.
Các doanh nghiệp, cá nhân hiện nay cùng một lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng hóa của cùng loại sản phẩm với nhiều tính năng, tác dụng ưu việt, chất lượng cao, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như trẻ em, người già, người ăn kiêng…
Song thực tế các sản phẩm này cùng chung nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất giống nhau. Chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng sản phẩm.
Đề xuất tăng hình phạt về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm…
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đề xuất nhiều tội phải chịu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền cũng tăng với hơn 160 tội danh so với Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo đó, tại Điều 193 dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mức phạt với hành vi này bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 – 100 triệu lên 40 – 200 triệu đồng.
Cùng với đó, cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1 – 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 18 – 36 tỉ đồng, gấp đôi mức phạt hiện hành.
Pháp nhân vi phạm cũng bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Đáng chú ý, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm “Hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên” bị đề xuất mức phạt tù từ 5-10 năm.

Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc đưa yếu tố “hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên” vào cấu thành định khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù là một bước tiến phù hợp với thực tiễn. Điều này thể hiện rõ nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc lượng hóa phạm vi ảnh hưởng của hành vi vi phạm.
Đây không chỉ là căn cứ xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội, mà còn là tiêu chí kỹ thuật giúp cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có cơ sở rõ ràng để áp dụng pháp luật.
Về khái niệm “người tiếp cận” cũng như xác định “người tiếp cận” cần đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và các nền tảng kỹ thuật số, bởi dữ liệu này thường chỉ được ghi nhận bởi bên vận hành hệ thống. Việc minh bạch, khách quan hóa quy trình thu thập và xác thực thông tin này là rất cần thiết để tránh tình trạng lạm dụng hoặc bỏ lọt tội phạm.
Cùng với việc quy định khung hình phạt tù nghiêm khắc hơn, Dự thảo còn điều chỉnh mức phạt tiền tăng lên từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng (so với mức hiện tại là từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng). Do đó, việc nâng mức phạt tiền có thể giúp làm tăng sức nặng của chế tài kinh tế đối với hành vi vi phạm.
Việc duy trì các biện pháp bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, là rất cần thiết.
Luật sư Yến nhận xét: “Các biện pháp này thể hiện tính toàn diện của chính sách hình sự: không chỉ trừng trị mà còn phòng ngừa tái phạm, đồng thời khôi phục lại phần nào công bằng xã hội và giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm từ việc tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đã vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh chân chính, quy định mới này không gây cản trở hoạt động thương mại mà ngược lại, giúp làm sạch môi trường kinh doanh trực tuyến. Việc xác lập một hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử một cách bền vững”.
Siết chặt xử lý quảng cáo sản phẩm giả trên không gian mạng
Trở lại vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó cơ quan điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, thủ đoạn tinh vi của đối tượng làm sản phẩm giả, đó là đối tượng tự đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm giả đang lưu hành trên thị trường tại cơ quan quản lý.
Một thủ đoạn khác, để bán được nhiều hàng, lôi kéo được nhiều người tiêu dùng, các đối tượng đã liên kết thuê những cá nhân có uy tín ảnh hưởng trong xã hội, có ảnh hưởng lớn trên không gian mạng để quảng bá giới thiệu bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội với những thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại về tính năng tác dụng về chất lượng công dụng sản phẩm hòng lôi kéo người tiêu dùng.
Thông qua điều tra các vụ án, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra xử lý một cách triệt để, nghiêm minh các hành vi buôn bán sản xuất hàng giả. Bên canh đó cũng xử lý nghiêm các hành vi quảng bá giới thiệu bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội của một số cá nhân nổi tiếng. Qua đó tạo sự răn đe phòng ngừa và cảnh tỉnh người tiêu dùng.
Mặt khác, từ điều tra các vụ án, cơ quan điều tra cũng kịp thời phát hiện tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tham mưu cho Quốc hội bổ sung một số điều luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm, về lĩnh vực quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội vào trong quá trình sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Song song với đó, Bộ Công an tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền bổ sung một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm, sản xuất kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước được chặt chẽ, hạn chế các cái kẽ hở, không để các đối tượng phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.