Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu và nhu cầu cần thiết trong thời kỳ hội nhập.
Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu và nhu cầu cần thiết trong thời kỳ hội nhập, đồng thời gắn liền với đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Trong quá trình đó, môn Ngữ văn được chú trọng đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề lý thuyết và học thuộc lòng, qua đó khơi gợi sự hứng thú cho học sinh khi làm bài; đánh giá chính xác năng lực của người học…
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu của giáo viên, phụ huynh, học sinh lúc này là dạng đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2025 – 2026.
Trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, với thực tiễn học sinh học ba bộ sách giáo khoa, gồm: “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, yêu cầu đánh giá thay đổi, nhất là tiêu chí không sử dụng các văn bản đã học trong sách giáo khoa thì việc ra đề thi cho kỳ thi vào lớp 10 cũng cần phải thực sự đầu tư và kỳ công.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, người ra đề cần bám sát các yêu cầu cần đạt và đánh giá của Chương trình GDPT 2018; quán triệt yêu cầu của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông; chú ý Quyết định 764/QĐ-BGDĐT ngày 8/3/2024 quy định cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tạo sự nhất quán, đồng hướng với các quan điểm, nguyên tắc đánh giá. Một bài thi các em sẽ làm 3 phần thi: Đọc hiểu – Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Trong bài viết này tôi tập trung đi vào phần đề đọc hiểu.
Một số yêu cầu của phần thi đọc hiểu
Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc. Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó; sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống.
Hiểu là phải trả lời được các câu hỏi: Cái gì? Như thế nào? Tại sao? Đọc hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng – sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt.
Từ các cơ sở trên, trong việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn theo một số yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, đề thi cần đánh giá được năng lực văn học, ngôn ngữ của học sinh thông qua các yêu cầu đọc hiểu và viết (năng lực nói và nghe thực hiện trong đánh giá thường xuyên). Vì thế, đề thi cần tập trung vào câu hỏi, bài tập đọc hiểu và yêu cầu viết.
Thứ hai, phần đọc hiểu lấy ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, có thể một trong ba loại văn bản: Văn học (văn bản thơ, truyện), nghị luận và thông tin. Các văn bản ngữ liệu cần phù hợp với học sinh và tương đương các văn bản đã học về độ khó, đặc trưng thể loại, kiểu văn bản, đề tài, chủ đề…
Thứ ba, đề thi cần tập trung chủ yếu vào các yêu cầu cần đạt của chương trình lớp 9 cả về thể loại. Văn bản dùng đọc hiểu cần bảo đảm đúng các tiêu chí về ngữ liệu đã nêu trong Chương trình GDPT 2018. Nội dung của các văn bản thường đề cập đến các vấn đề có ý nghĩa giáo dục, mang tính thời sự, có hình thức diễn đạt hấp dẫn, gây nhiều ấn tượng với người đọc.
Chọn văn bản của các tác giả đã được kiểm duyệt bởi các NXB có uy tín hoặc website chính thống (ghi rõ nguồn). Nếu ngữ liệu là đoạn trích (truyện), cần có tóm tắt bối cảnh của đoạn trích, trích đúng nguồn; chú thích những từ ngữ khó; giới thiệu tác giả (nếu cần); ghi xuất xứ rõ ràng, đầy đủ. Độ dài văn bản đọc hiểu cần phù hợp thời gian làm bài, trình độ, năng lực của học sinh lớp 9.
Thứ tư, đề cần chú ý sự hài hòa giữa yêu cầu huy động hiểu biết về xã hội và văn học; thể hiện qua các yêu cầu về đọc hiểu (loại văn bản nào). Câu hỏi đọc hiểu cần đánh giá được cả 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Cần có câu hỏi yêu cầu vận dụng tiếng Việt trong đọc hiểu.
Trong phần đọc hiểu, các tỉnh, thành thiết kế ở cả dạng đề tự luận hoặc trả lời câu hỏi tự luận. Từ ngữ được dùng trong phần đọc hiểu ở cấp độ nhận biết thường được thể hiện ở một số từ ngữ yêu cầu như gọi tên, nêu, chỉ ra, liệt kê, trình bày, xác định (đặc điểm kiểu văn bản…). Phần hiểu thường biểu hiện cụ thể qua các từ ngữ thể hiện yêu cầu như nhận biết, phân tích, chỉ ra, xác định (chủ đề, đề tài, thông tin, cảm hứng chủ đạo, thái độ, quan điểm); giải thích, tóm tắt nội dung. Phần vận dụng có thể liên hệ văn bản với bản thân, văn bản với bối cảnh; trình bày ý kiến…
Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản thông qua khả năng tiếp nhận của học sinh. Đọc hiểu là tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Với quan điểm phát huy vai trò chủ thể của học sinh, xuất phát từ đặc thù của văn chương (nghệ thuật ngôn từ), mà vấn đề đọc hiểu văn bản ngày càng được quan tâm.
Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh.
Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:
+ Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản; Mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng.
+ Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản. Đặc biệt là những giá trị đặc sắc của các yếu tố nghệ thuật, ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản, ý đồ, mục đích, của văn bản, thấy được tư tưởng, thông điệp sâu sắc của tác giả gửi gắm trong văn bản, thể loại của văn bản, hình tượng nghệ thuật…
Đề minh họa
1. Đề ra phần đọc hiểu: (4 điểm – 5 câu hỏi)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
….Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão
tìm nhau.
Qua mọi điều, ngọn gió có qua đâu
Luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến
Thơ em viết về một vùng cát biển
Cỏ mặt trời trong lốc bụi lăn đi…
Đã có lần tôi muốn nguôi yên
Khép cánh cửa lòng mình cho
gió lặng
Nhưng vô ích làm sao quên được
Những yêu thương khao khát của đời tôi.
Tôi thở trong sức gió muôn người
Mùa gió mới nhờ em tôi có lại
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội
Lại dập dồn như gió khắp
rừng khuya…
(Theo Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, in trong Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ), NXB Hội Nhà văn – Nhã Nam, 2022, tr.171-172)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: (1,0 điểm) Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh đất nước được hình dung trong khổ thứ nhất của đoạn trích? Qua những từ ngữ đó, hình ảnh đất nước hiện lên như thế nào?
Câu 3: (0,5 điểm) Em hiểu thế nào về câu thơ “Tôi thở trong sức gió muôn người”?
Câu 4: (1,0 điểm) Biện pháp tu từ ẩn dụ trong 2 câu thơ sau có tác dụng gì?
Đã có lần tôi muốn nguôi yên
Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng.
Câu 5: (1,0 điểm) Từ đoạn thơ, em cảm nhận gì về vẻ đẹp của non sống đất nước Việt Nam?
2. Gợi ý làm bài
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm.
Câu 2: Những từ ngữ khắc họa hình ảnh đất nước được hình dung trong khổ thứ nhất: Như con thuyền xuyên gió mạnh; Những mối tình trong gió bão tìm nhau. Qua những từ ngữ đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hiện lên đầy bản lĩnh, sức mạnh, đầy khát khao chinh phục khó khăn, thử thách và hướng về một tương lai tươi sáng, rạng ngời. Dù phải trải qua nhiều gian nan trong lịch sử nhưng đất nước vẫn như con thuyền căng buồm lướt trên sóng sẵn sàng vượt lên mọi gian khó.
Câu 3: Câu thơ “Tôi thở trong sức gió muôn người”: Thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của con người Việt Nam. Đó còn là sự kết nối của bao thế hệ.
Câu 4: Biện pháp ẩn dụ trong 2 câu thơ sau có tác dụng:
Đã có lần tôi muốn nguôi yên
Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng.
+ Làm cho câu thơ hay hơn, hàm súc, gợi hình gợi cảm hơn.
+ Khắc họa cụ thể sức mạnh của đất nước đang vận động trên đà phát triển. Nhịp sống mới rộn ràng, nô nức lôi cuốn con người và trái tim của nhân vật trữ tình cũng tràn đầy niềm khao khát được hòa nhập, cống hiến. Vì thế, tác giả không thể đứng ngoài những vang động của đời sống.
Câu 5: Từ đoạn thơ, em cảm nhận gì về vẻ đẹp của non sống đất nước Việt Nam (có thể triển khai thành đoạn văn khoảng 7 dòng, cũng có thể gạch ra các ý chính):
Đất nước Việt Nam trải qua suốt chiều dài lịch sử, nhiều thử thách, thăng trầm nhưng luôn giữ trọn vẻ đẹp của non sông, Tổ quốc. Đó là vẻ đẹp của những làng quê bình dị, ân tình, những vùng biển cát trắng, những con người cùng chí hướng, lý tưởng…
Tất cả đã in hằn trong tâm trí con người và Tổ quốc ngày càng lung linh, căng tràn nhựa sống. Mỗi một hình ảnh của non sông đất nước ấy đều gắn liền với bao khát khao trong con người để dựng xây đất nước hùng mạnh.
Lưu ý: Người chấm linh hoạt trong quá trình chấm, không nên máy móc đếm ý cho điểm.