Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tiếp tục xem xét, rà soát và đánh giá mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan với mức lương thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp…
Thông tin trên được đề cập tại Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ; giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội vừa ban hành của Bộ LĐTBXH
Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, Bộ LĐTBXH sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể ở doanh nghiệp, cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để xây dựng môi trường ổn định trong quan hệ lao động đồng thời đôn đốc theo dõi, cập nhật, đối chiếu, báo cáo về tranh chấp lao động, đình công; đề xuất, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý vụ việc phát sinh, sớm ổn định tình hình.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 109 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 41/TTg-QHĐP.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công (hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động), thúc đẩy giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo đúng quy định.
Về xây dựng chính sách pháp luật, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc xem xét, rà soát và đánh giá mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan với mức lương thị trường; chỉ số giá tiêu dùng từ đó làm căn cứ để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp; kịp thời thông tin, tuyên truyền chính sách tiền lương của người lao động đối với khu vực doanh nghiệp.
Gần đây nhất, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng tăng 6%, với các mức: Vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng. Mức điều chỉnh này đã cải thiện hơn đời sống cho người lao động.
Cục Việc làm phối hợp với các đơn vị liên quan được giao rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách điều tiết, quản lý thị trường lao động hiệu quả, tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được giao xây dựng Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng việc làm, năng suất, thu nhập người lao động, phát triển kinh tế – xã hội; ưu tiên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng tương lai, phục vụ ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đơn vị này cũng có nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực của doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ, tạo việc làm bền vững, giải quyết việc làm và chính sách đối với lao động trên 35 tuổi bị mất việc làm.
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Bộ LĐTBXH cho biết trong năm 2024 và giai đoạn tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo lao động về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ lao động, xu hướng, tình trạng cắt giảm việc làm trên các lĩnh vực, khu vực đặc biệt là tăng cường nghiên cứu, dự báo đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong từng lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển đất nước và bảo đảm chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động trong tình hình mới.
P.Diệp