Có thể thấy, xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII, Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” được kỳ vọng sẽ giúp ngành Điện ảnh Việt Nam có được những nhận thức mới trong việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh vai trò của Luật Điện ảnh 2022 trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Theo ông Tạ Quang Đông, với các quy định cởi mở về mở rộng đề tài, thể loại phim và việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo các tác phẩm điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đồng thời góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Có thể thấy, xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam, luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy, cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình, nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: “Chị Tư Hậu” (từ truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái); “Con chim vành khuyên” (từ truyện ngắn “Câu chuyện một bài ca”); “Mẹ vắng nhà” (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); “Bến không chồng” (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); “Trăng nơi đáy giếng” (từ tác phẩm văn học của Trần Thuỳ Mai), “Mê Thảo – thời vang bóng” (từ truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), hay “Đừng đốt” (dựa trên cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)… Những tác phẩm trên là ví dụ về việc chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công, thể hiện sự sáng tạo trong việc chuyển từ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm nổi tiếng như: “Sao tháng Tám”; “Hà Nội mùa đông năm 46”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như: “Long Thành cầm giả ca”; “Những người viết huyền thoại”; “Mùi cỏ cháy”; “Đào phở và piano”…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nêu, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử, đây cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Tại hội thảo, Đạo diễn Charlie Nguyễn đã chỉ ra hai yếu tố then chốt khi làm phim lịch sử: Sự thật về thực tế và sự thật về tinh thần. “Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh”, ông nhấn mạnh. Theo đạo diễn, nhiệm vụ của nhà làm phim là phải thể hiện được không chỉ sự kiện lịch sử, mà còn cả hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của nhân vật – những điều không được ghi chép trong sử sách.
Chia sẻ về góc độ sáng tạo, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, các nhà làm phim Việt Nam đang bị bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử, dẫn đến thiếu sáng tạo. Ông đề xuất các nhà làm phim cần được tự do sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử.
Còn Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan đã nêu ra thách thức lớn về mặt tài chính khi làm phim lịch sử và chuyển thể. Chi phí cho bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng thời kỳ lịch sử đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Bà cũng bày tỏ lo ngại về đề xuất tăng thuế VAT từ 5% lên 10% đối với sản phẩm điện ảnh trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi: “Làm phim từ khi đầu tư, đến khi thu vốn phải mất thời gian ít nhất là một năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ đồng, mà vì thuế phải lên 21 tỷ đồng thì sẽ ngưng ngay”.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh vai trò của phim lịch sử trong việc chuyển tải thông điệp về văn hóa, lịch sử và chính trị. Ông cho biết, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ như đặt hàng làm phim về đề tài lịch sử, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử hướng tới các dịp kỷ niệm và ngày lễ lớn của đất nước.
Là người đang chuẩn bị ra mắt phim chuyển thể từ bộ truyện “Kính vạn hoa” của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Đạo diễn Võ Thanh Hòa đã đề xuất cách tiếp cận hai chiều: “Nhà làm phim cần phải có suy nghĩ độc lập, vừa phải lựa chọn được những điều thú vị trong tác phẩm, vừa truyền tải được những thông điệp mang tính thời đại đến với khán giả”.
Có thể khẳng định, Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” đã mang đến cái nhìn toàn diện về tiềm năng, thách thức và giải pháp phát triển dòng phim lịch sử và chuyển thể văn học tại Việt Nam. Đây được xem là định hướng quan trọng cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về những tác phẩm chất lượng cao về đề tài lịch sử và văn học ngày càng tăng.
Phương Bùi