Ca khúc vừa ra mắt đã nhận về vô vàn bình luận tiêu cực nhưng phản ứng người trong cuộc mới gây chú ý.
Những ngày gần gần đây, cư dân mạng đang xôn xao trước ca khúc Fever – sản phẩm kết hợp giữa Coldzy và tlinh. Bài hát được đăng tải trên các trang MXH vào ngày 4/6 và nằm trong album phòng thu đầu tay mang tên MEDICINE của Coldzy. Sau khi đăng tải, phiên bản lyrics video của Fever đã đạt được gần 1 triệu view trên YouTube.
Tuy nhiên, điều khiến bài hát này nhận về nhiều tranh cãi nằm ở phần lời. Với Fever, người nghe nhạc cảm thấy giật mình bởi chủ đề liên quan đến chuyện chăn gối được thể hiện xuyên suốt, thậm chí vô tội vạ đến mức phản cảm. Lấy ví dụ ở câu hát “Áo 2 dây buông lên sofa, nàng vội lại gần sát thêm. Để đôi môi không còn khô. Toàn thân ta tăng nhiệt độ“. Dù chứa đựng những lời lẽ gợi dục như vậy nhưng khi ra mắt Fever, Coldzy cùng ekip lại không gắn mác 18+ cho sản phẩm này cũng như không chủ động cảnh báo trên nền tảng chia sẻ video trực tuyến có số người xem ở mức khổng lồ mỗi ngày, trong đó có cả các em nhỏ.
Sau khi đăng tải, netizen vô cùng bức xúc khi một ca khúc ca lời lẽ nhạy cảm như thế này lại xuất hiện một cách công khai trên YouTube, thậm chí có người còn không ngại gọi Fever là “nhạc rác” và đề xuất cấm vĩnh viễn bài hát này trên các nền tảng chia sẻ nhạc trực tuyến:
– Lời bài hát sợ hãi vậy . Âm nhạc đại chúng không có cần những tác phẩm như thế này đâu.
– Bài hát thể hiện sự dung tục, không có nhãn mác cấm trẻ em dưới 18. Hãy là người nghệ sỹ có ý thức với cộng đồng.
– Nói hỏng phải khen chứ nghe bài này như nhạc đồi trụy vậy anh ơi!
– Cấm là vừa mà, thời này chẳng hiểu sao tràn lan thể loại nhạc rẻ tiền đến vậy!
Trao đổi với Tiền phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận xét Fever là ca khúc tối nghĩa, dung tục về ngôn ngữ, giai điệu nhàm chán, không có độ căng, giọng ca thể hiện rít âm, không rõ ràng, khán giả nghe sản phẩm này phải đồng thời đọc phần Việt sub mới biết ca khúc đang thể hiện nội dung gì.
“Xét về mọi bình diện, ca khúc có thể dưới mức xếp hạng âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ là một bản phối lai căng, lạc trôi giữa dòng nhạc tự phát đang khá thịnh hành trên mạng xã hội. Nếu xét về tiêu chuẩn thẩm mỹ thì Fever không phải là tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa, mà là một dạng phối âm tự phát mang ý đồ cá nhân nhiều hơn”, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định. Ông nhấn mạnh thêm: “Xét ở khía cạnh nào đó, không quá lời khi xem Fever là một dạng truyền bá văn hoá phẩm đen và cần nghiêm cấm phát hành”.
Người trong cuộc phản ứng như thế nào?
Đã gần 2 tuần, Fever được ra mắt trên các nền tảng MXH và nhận được vô vàn những phản ứng tiêu cực đến từ khán giả, giới truyền thông hay cả nhà nghiên cứu văn hóa. Thông thường, khi một sản phẩm nhận ý kiến trái chiều như Fever thì ekip sẽ có một số hành động nhất định như đưa ra phản hồi rõ ràng, chặn bình luận để tránh phát sinh thêm tiêu cực, khóa MV hay gỡ ca khúc này khỏi các nền tảng. Tuy nhiên, rapper Coldzy cũng như công ty chủ quản đều không có động thái xử lý để ngăn chặn sự việc này bị lan rộng hơn. Phải chăng vì muốn “tạo nhiệt” cho album đầu tay mà Coldzy cùng ekip đã bất chấp mọi ý kiến tiêu cực để gây sự chú ý?
Tính đến thời điểm hiện tại, động thái gần nhất của nam rapper là đưa ra lời cảnh báo “Video này có thể không phù hợp với một số người xem” khi khán giả bấm vào Lyrics Video Fever trên YouTube. Còn về phía Coldzy, nam rapper vẫn đang trong quá trình quảng bá album đầu tay, mặc kệ những lời dị nghị bên ngoài đang nhắm vào mình.
Hải Lan