Hiếm có triển lãm nhóm nào mang tính trọn vẹn, từ dự án cho đến mục tiêu, từ thông điệp cho tới thực hành nghệ thuật như ‘Ngày xửa ngày xưa’.
Soi trong lăng kính của nghệ thuật đương đại, 39 tác phẩm trong triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” đã kể một câu chuyện thật đẹp về văn hóa và giá trị của truyền thống Việt.
Giật mình với “nét cũ duyên xưa”
Hiếm có triển lãm nhóm nào mang tính trọn vẹn, từ dự án cho đến mục tiêu, từ thông điệp cho tới thực hành nghệ thuật như “Ngày xửa ngày xưa”.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Sự đánh thức, sự lay động, sự mách bảo của triển lãm đã cho những người trẻ mới của thế kỷ này lật những trang mới tinh cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình”.
Với mục tiêu nâng tầm văn hóa Việt thông qua hội họa – điêu khắc, góp phần làm ra các sản phẩm văn hóa mang tính thương mại từ nguồn vốn văn hóa. Dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” của các nghệ sĩ nhóm Heritage and Art ra đời góp phần lưu giữ, nhìn lại và quảng bá lịch sử – văn hóa của dân tộc thông qua nghệ thuật hội họa.
Triển lãm tranh – tượng “Ngày xửa ngày xưa” đang diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) là cuộc ra mắt đầu tiên của nhóm Heritage and Art bao gồm 16 nghệ sĩ tạo hình thuộc các thế hệ 7X, 8X và 9X: Lê Thế Anh, Trần Cường, Chu Viết Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Khổng Đỗ Duy, Vũ Đức Hiếu, Vương Lê Mỹ Học, Nguyễn Thế Hùng, Hồ Hưng, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Long, Vũ Thùy Mai, Nguyễn Minh, Cao Phương Thảo, Trần Thược và Lê Đức Tùng.
Dự án được triển khai từ đầu năm 2024 do họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) khởi xướng. Các nghệ sĩ trong nhóm đã tổ chức những chuyến điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa, gặp gỡ các nhân vật có liên quan để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt. Từ đó nghiên cứu, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đương đại, hướng đến thực hiện và giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các cuộc triển lãm nghệ thuật.
Với 39 tác phẩm thuộc các lĩnh vực hội họa, đồ họa và điêu khắc hình thành trên nguồn chất liệu đa dạng như: Kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài… đã thể hiện những cá tính khác nhau nhưng cùng chung một niềm đam mê nghiên cứu “văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia”. Từ đó, họ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật khác nhau mang đậm dấu ấn tạo hình của từng cá nhân.
Đồng hành và ủng hộ dự án của nhóm nghệ sĩ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói rằng: “Người Việt mới, người trẻ mới của bây giờ lại vẫn nhớ chuyện “ngày xửa ngày xưa” về nét đẹp Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt cho đến hôm nay vẫn trường tồn nguyên cốt, nguyên nét xuyên thế kỷ. Họ đã làm cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, phải giật mình rằng, mình có bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa của di sản?”.
PGS.TS Phạm Thái Việt (Học viện Ngoại giao) nhận xét, dự án cũng như triển lãm của nhóm đã khẳng định bản sắc, tính độc đáo, không lặp lại và duy nhất của mỗi dân tộc trong dòng chảy của lịch sử nhân loại.
Di sản văn hóa còn là nguồn tài nguyên của quốc gia khi trở thành đầu vào của công nghiệp văn hóa, mang lại lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, việc giữ gìn và thắp sáng di sản là xu thế tất yếu của thời đại.
Di sản “sống lại” trong nghệ thuật
Tham quan triển lãm “Ngày xửa ngày xưa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, di sản có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa nhưng không phải ai cũng hiểu vai trò ấy. Làm thế nào để phát huy giá trị di sản, để di sản có giá trị bền vững, đó là điều mà các nghệ sĩ rất trăn trở.
Dự án này như một cây cầu nối để thế hệ sau hiểu và yêu hơn di sản, có cơ hội thực hành và trao truyền di sản. Những hoạt động kết nối quá khứ và hiện tại cần được chú trọng để thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị cha ông để lại.
Điểm độc đáo và có sức thu hút mạnh mẽ của dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” chính là việc các nghệ sĩ đã làm cho “nghệ thuật sống lại trong văn hóa”. Sức lan tỏa của dự án dường như được nhân lên khi có sự song trùng về năng lượng cảm xúc và có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.
Để “chuyển hóa” giá trị di sản văn hóa lên các tác phẩm đương đại, nhóm nghệ sĩ đã lên ý tưởng, gặp gỡ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật. Đặc biệt là nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để khơi gợi cảm xúc, bám sát hiện thực, thấy rõ tinh hoa ngàn đời mà cha ông để lại.
Họa sĩ Lê Thế Anh chọn đề tài người dân vùng cao nghèo khó nhưng luôn lạc quan, hướng đến sự duy mỹ trong hội họa. Nghệ sĩ Tiến Dũng ấn tượng với bộ ba tượng gỗ “Ngọc nữ” thời nhà Mạc, phủ sơn mài.
Sau khi nghiên cứu, anh kết hợp chất liệu sơn dầu để tạo nên ngôn ngữ biểu đạt riêng cho sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng lại lấy cảm hứng từ mô-típ hoa văn cổ trên kiến trúc để thực hiện hai bức tranh mang tên “Phía bên kia ký ức”…
Sau triển lãm tranh – tượng “Ngày xửa ngày xưa”, nhóm nghệ sĩ Heritage and Art sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống, như: Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ; Di sản qua ánh mắt trẻ thơ…
Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa của các vùng miền trên khắp đất nước, làm nổi bật tính văn hóa bản địa trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc.
“Ngày xửa ngày xưa” không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích thời ấu thơ, mà còn là mở đầu cho câu chuyện di sản mà chúng tôi muốn kể bằng ngôn ngữ hội họa. Trong câu chuyện ấy, không chỉ có các hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, các hình ảnh của chạm khắc đình làng, tranh dân gian…, mà còn là tầng lớp của bề dày lịch sử và những giá trị của di sản văn hóa Việt – được kể qua góc nhìn mang hơi thở của những nghệ sĩ đương đại” – Họa sĩ Nguyễn Minh.
Trần Hòa