Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày 25/11.
Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,66% xuống 2.183 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, nhóm năng lượng giảm mạnh khi giá hai mặt hàng dầu thô đồng loạt đi xuống do kỳ vọng nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào hơn. Diễn biến tương tự diễn ra trên thị trường kim loại quý khi giá bạc và bạch kim suy yếu trước áp lực chốt lời của giới đầu tư.
Giá dầu thế giới đồng loạt giảm sau tin thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu đồng loạt giảm 3% sau thông tin Israel và Lebanon đã đồng ý một số điều khoản của thỏa thuận chấm dứt xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hezbollah. Ngoài ra, việc Mỹ ít khả năng gia tăng trừng phạt lên Iran cũng tạo sức ép lên giá dầu.
Đóng cửa, giá dầu thô WTI giảm 3,23% xuống gần 69 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng giảm 2,87% xuống 73 USD/thùng.
Hôm qua (25/11), các quan chức Lebanon cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sớm công bố về lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Hezbollah và Israel. Bên cạnh đó, Israel cũng cho biết nội các sẽ họp bàn vào hôm nay (26/11) để thông qua lệnh ngừng bắn với Hezbollah. Triển vọng về thỏa thuận ngừng giao tranh đã xua tan lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu tại khu vực Trung Đông, từ đó tạo áp lực lên giá dầu thế giới.
Thêm vào đó, theo nhà quản lý danh mục đầu tư tại Tortoise Capital, Rob Thummel cho biết thỏa thuận nói trên sẽ làm giảm khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thắt chặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran vào tháng 1/2025. Việc Hezbollah, lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn, đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn sẽ khiến Mỹ có ít lý do để tạo áp lực lên chính quyền Tehran. Điều này làm suy yếu nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu của Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng hiện nay đạt 3,5 triệu thùng/ngày. Triển vọng nguồn cung dồi dào trong bối cảnh thị trường tiêu thụ dầu không có nhiều điểm sáng đã gây sức ép lên giá các mặt hàng dầu trong hôm qua.
Ngoài ra, Mỹ chuẩn bị nghỉ Lễ Tạ ơn nên các hoạt động sản xuất công nghiệp, vận tải thương mại và giao dịch hàng hóa có thể bị giảm sút, từ đó kéo nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá dầu đi xuống.
Giá kim loại quý lao dốc
Theo MXV, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa rõ nét giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm mạnh do vai trò trú ẩn bị thất thế và hoạt động chốt lời của giới đầu tư. Đóng cửa, giá bạc giảm 3,51% xuống 30,2 USD/ounce, giá bạch kim cũng giảm hơn 3% xuống 944,5 USD/ounce.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX chốt phiên tăng 0,34% lên 9.038 USD/tấn sau khi trải qua một phiên biến động khá mạnh. Một mặt, giá tiếp tục phải chịu áp lực trong bối cảnh triển vọng nhu cầu yếu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần.
Mặt khác, giá đồng lại đón nhận lực mua tăng mạnh nhờ một số lo ngại về nguồn cung. Theo dự báo từ công ty khai thác hàng đầu BHP cho biết sản lượng đồng của công ty dự kiến sẽ giảm khoảng 300.000 tấn xuống còn 1,6 triệu tấn vào cuối thập kỷ này, phần lớn là do sự sụt giảm sản lượng tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida. Phía công ty cũng cảnh báo rằng thị trường đồng toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt trung bình 10 triệu tấn/thập kỷ kể từ thời điểm này.