Cơ quan Công an nhận định, những tháng cuối năm tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ diễn biến phức tạp. Tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ ý thức bảo vệ tài sản của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan và mất cảnh giác…
Diễn biến phức tạp
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tội phạm trộm cắp tài sản chủ yếu là trộm cắp xe máy, trộm đột nhập công sở, trường học, nhà dân, đập phá két sắt, cậy phá tủ, rương để trộm cắp tiền, vàng, tài sản… gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… Nguyên nhân chủ yếu là do người dân, người quản lý tài sản chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong quản lý và bảo vệ tài sản của mình.
Điển hình như mới đây, ngày 28/10, Công an phường Kim Mã (quận Ba Đình) tiếp nhận tin báo của chị N.T.H về việc căn hộ của chị tại ngõ 135 Núi Trúc, phường Kim Mã, bị kẻ gian đột nhập, trộm cắp một số trang sức và tài sản trị giá khoảng 440 triệu đồng. Nhận được tin báo, Công an phường Kim Mã đã nhanh chóng phối hợp Đội Cảnh sát hình sự – Công an quận Ba Đình tổ chức xác minh, điều tra, truy tìm đối tượng. Đến ngày 1/11, Công an quận Ba Đình đã bắt giữ 2 đối tượng Vũ Quốc Huy và Đỗ Đức Anh là các đối tượng đã thực hiện vụ trộm cắp tài sản trên. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã theo dõi và nắm được giờ giấc sinh hoạt của gia đình chị H và lên kế hoạch trộm cắp tài sản nhà chị. Theo hồ sơ, đối tượng Vũ Quốc Huy đã có 3 tiền án; đối tượng Đỗ Đức Anh có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản…
Trước đó, ngày 15/10, Công an phường Văn Quán (quận Hà Đông) nhận được trình báo của anh Hoàng Xuân Vĩ (21 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình) về việc đêm 14/10 bị kẻ gian lấy trộm chiếc xe máy Honda Wave dựng ở khu vực ngõ 33 Lương Ngọc Quyến. Tường trình tại cơ quan công an, anh Vĩ thừa nhận sự chủ quan, nghĩ rằng phương tiện của mình đã được khóa chữ U nên không mang vào bãi gửi.
Tuy nhiên, qua một đêm không có người trông giữ, chiếc khóa chữ U đã bị vô hiệu hóa bởi kẻ gian dùng kìm thủy lực cắt gãy. “Tài liệu thu thập cho thấy, nhóm trộm xe có từ 2 – 3 đối tượng. Thủ đoạn chúng gây án ở các vụ việc tương đối giống nhau, đó là trộm cắp phương tiện để ở nơi không có người trông giữ. Ngoài việc dùng công cụ phá khóa, kẻ gian còn tìm cách đấu điện để khởi động, di chuyển xe. Nhiều khả năng, chúng làm vậy với tính toán tránh bị chú ý trong quá trình mua bán xe gian sau này, bởi việc phá ổ khóa điện sẽ để lại dấu vết”, chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự – Công an quận Hà Đông chia sẻ.
Công an quận Hà Đông đã khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, bắt trọn 3 đối tượng gây ra vụ trộm cắp xe máy. Đặc biệt, từ lời khai của 3 tên trộm, Công an quận Hà Đông làm rõ và phối hợp với Công an thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, bắt giữ thêm 5 đối tượng có hành vi tiêu thụ xe gian. Quá trình khám xét, cơ quan công an thu giữ tang vật 1 kìm thủy lực, 1 tuốc-nơ-vit, 3 cờ lê, 13 xe máy các loại cùng nhiều phụ tùng xe máy đã tháo rời.
Từ các vụ việc nêu trên cho thấy, tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ ý thức bảo vệ tài sản của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan và mất cảnh giác.
Cần nâng cao cảnh giác
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm về trật tự xã hội dịp cuối năm tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản. Ngoài sự tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng phạm tội thì sự lơ là, mất cảnh giác của người dân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cắp tài sản diễn ra phức tạp. Chính vì thế, để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này, bên cạnh nỗ lực tăng cường đấu tranh của lực lượng công an, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân cần nâng cao ý thức chủ động tự bảo vệ tài sản, qua đó góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Hưng – Phó Trưởng Công an phường Hà Trống (quận Hoàn Kiếm), thời gian gần đây, đối tượng trộm cắp tài sản hoạt động với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn. Trước khi gây án, đối tượng trộm cắp thường đi dò la, nắm tình hình về: thời gian, thói quen sinh hoạt của chủ tài sản, lối vào, lối ra, nơi gắn camera, thiết bị báo động…
Sau đó, lợi dụng sơ hở của người dân chủ quan không khóa cửa khi ra ngoài, khi ngủ, để xe trước nhà, phòng trọ, vỉa hè, lề đường không có người trông coi, không khóa cổ, khóa càng… để trộm cắp. Hướng đột nhập mà đối tượng nhắm đến thường là cổng chính, cổng sau, cửa sổ, cửa tum, ô thông gió. Đối tượng trộm cắp tài sản thường mang theo kìm cộng lực, đèn khò lửa để cắt khóa hoặc chìa khóa vạn năng, vam phá khóa chữ T, U để bẻ khóa, sau đó trộm tài sản và sẵn sàng chống trả để tẩu thoát nếu bị phát hiện.
Nói thêm về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Duy Định – Trưởng Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa) nhấn mạnh, đối với các cơ quan, công sở phải gia cố cổng, cửa và lắp đặt các thiết bị cảnh giới, báo động để kịp thời phát hiện đối tượng gây án. Lực lượng bảo vệ cần tăng cường tuần tra vào ban đêm, chú ý những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Tại các tiệm vàng, ngoài việc gia cố hệ thống cửa, bố trí bảo vệ đêm, lắp đặt camera tích hợp với chuông báo động, kết nối đường dây nóng với Công an cơ sở… Cần đề cao cảnh giác với những biểu hiện không bình thường của đối tượng khả nghi đang tăm tia, khảo sát địa hình trong khu vực gần nhà…
Điều đáng nói là ngoài thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tội phạm đột nhập nhà dân rất manh động, khi bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí tấn công lại gia chủ để tẩu thoát hoặc bịt đầu mối, tránh bị cơ quan Công an phát hiện, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân… Do đó, khi phát hiện kẻ gian đột nhập vào nhà, cần bình tĩnh xử lý bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và người thân trong gia đình; đồng thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có cách đối phó…
Minh Phương