Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở màng não do một số vi khuẩn gây nên, là một nhóm bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, xuất hiện quanh năm.
Bệnh rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm như: tổn thương não, não úng thủy, áp xe não, tụ mủ dưới màng cứng…; nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp nặng, phù não…
Bà Đ.T.N.T. (69 tuổi, ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tri giác bất thường, cơ thể mệt mỏi.
Những triệu chứng này tương tự như đột quỵ nên lúc đầu bà T. được đưa đến Khoa Nội tim mạch để điều trị và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chụp phim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị áp xe não; sau khi hội chẩn liên khoa, lấy dịch não tủy của bệnh nhân để xét nghiệm thì chẩn đoán bà T. bị viêm màng não mủ.
Đây là một ca bệnh nặng, phức tạp, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân lớn tuổi, kèm bệnh lý nền cao huyết áp, viêm màng não mủ biến chứng áp xe não.
“Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và tận tình của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, sau hơn 20 ngày điều trị, giờ sức khỏe mẹ tôi đã tiến triển tốt, ăn uống bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới”, con gái bà T. cho hay.
Cũng mắc bệnh viêm màng não mủ, bệnh nhân H’K.T.Byă (21 tuổi, ở xã Krông Jing, huyện M’Drắk) ban đầu có biểu hiện nôn ói, đau đầu và sốt cao nên gia đình tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống, song tình trạng bệnh không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện M’Drắk, nhận thấy tình trạng bệnh nhân nặng, nguy kịch nên Trung tâm Y tế huyện chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, bệnh nhân này bị viêm màng não mủ trên nền bệnh thiếu máu bẩm sinh nên tình trạng bệnh nặng, khi nhập viện phải truyền máu liên tục. Nhờ đáp ứng tốt kháng sinh nên sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh đã chuyển biến rất tích cực. |
|
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm thông tin, 2 năm trở lại đây bình quân mỗi năm khoa tiếp nhận từ 80 – 120 trường hợp mắc bệnh viêm màng não mủ. Năm 2023, tiếp nhận gần 100 trường hợp; 5 tháng đầu năm 2024, tiếp nhận hơn 30 trường hợp mắc bệnh. Đa phần những trường hợp mắc bệnh là do phế cầu, não mô cầu, vi rút liên cầu lợn và do ký sinh trùng.
Viêm màng não mủ tùy theo từng nguyên nhân và cơ địa người bệnh mà mức độ biểu hiện và tính nguy hiểm cũng khác nhau. Người bệnh nặng có thể xuất hiện lú lẫn, mê sảng hoặc kích thích, co giật, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch. Người bị viêm màng não mủ dễ bị tổn thương hệ thần kinh, biến chứng viêm não, áp xe não, điếc, động kinh… Ở người lớn bị viêm màng não mủ thường có triệu chứng điển hình hơn, song đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác. Các triệu chứng của viêm màng não mủ thường khởi phát đột ngột như: Sốt cao, nôn ói, đau đầu, cứng gáy, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, xuất huyết hoặc ban xuất huyết với hình dạng bất thường trên da…
Bác sĩ khuyến cáo, do tính chất nguy hiểm và phức tạp của bệnh viêm màng não mủ, nếu chưa xác định được nguyên căn gây bệnh mà có xuất hiện những dấu hiệu như: sốt cao bất thường, nôn ói, đau đầu, cứng gáy, các bất thường về thần kinh, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng… thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa để kiểm tra, phát hiện bệnh. Việc phát hiện sớm và chẩn đoán viêm màng não mủ kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong và di chứng cho người bệnh. Ngoài ra, khi mắc bệnh cần tuân thủ điều trị của các bác sĩ, tái khám và theo dõi bệnh nhân, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo cho bác sĩ điều trị, tránh những hệ lụy đến sức khỏe của người bệnh sau này.
Mỹ Hạnh