Các nước châu Á tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với căn bệnh này.
Tại Pakistan, ngày 17/8, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã chỉ thị cần có các biện pháp nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát tình trạng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia này.
Trong cuộc họp bàn về biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ, ông Sharif chỉ đạo triển khai thủ tục kiểm dịch tại các sân bay, bến tàu và biên giới sao cho hiệu quả hơn.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Sharif yêu cầu Trung tâm Điều hành và chỉ huy quốc gia giám sát chặt chẽ và cập nhật tình hình theo ngày. Ông cũng chỉ thị giới chức liên bang phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương để ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, cũng như hỗ trợ các địa phương triển khai những chiến dịch nâng cao nhận thức một cách hiệu quả và toàn diện hơn.
Thủ tướng Pakistan cũng chỉ thị phải bảo đảm lực lượng y tế luôn sẵn có tất cả các bộ xét nghiệm và trang thiết bị điều trị theo yêu cầu.
Kiểm soát chặt biên giới để ngăn bệnh đậu mùa khỉ
Tại Trung Quốc, nhà chức trách cũng đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa virus đậu mùa khỉ nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca mắc trên toàn cầu gia tăng.
Bắt đầu từ ngày 15/8, những người nhập cảnh Trung Quốc từ các nước và khu vực đã xác nhận có ca mắc đậu mùa khỉ phải khai báo với hải quan nếu đã tiếp xúc với trường hợp nhiễm virus hoặc xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban. Quy định này sẽ được áp dụng trong 6 tháng. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện các biện pháp y tế, lấy mẫu và xét nghiệm đậu mùa khỉ đối với các cá nhân trên.
Các phương tiện, xe thùng chở hàng, hàng hóa và các hạng mục khác đến từ các nước và khu vực có ca mắc đậu mùa khỉ sẽ được khử trùng nếu đã dính hoặc có nguy cơ dính virus đậu mùa khỉ. Cơ quan Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch quốc gia cùng Ủy ban Y tế quốc gia hối thúc các đơn vị trực thuộc ở địa phương tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin với hải quan và các cơ quan hữu quan khác để kịp thời phát hiện và xử lý các ca nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Sau khi WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Hàn Quốc đã quyết định tăng cường các biện pháp kiểm dịch và giám sát.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và chuyên gia xác định rằng tình hình bệnh đậu mùa khỉ tại Hàn Quốc hiện vẫn có thể kiểm soát được theo các quy trình kiểm soát dịch bệnh hiện có. Tuy nhiên, họ quyết định tăng cường nỗ lực kiểm dịch và giám sát mà không ban hành lại cảnh báo khủng hoảng đã được dỡ bỏ vào tháng 5 năm ngoái.
Ngày 16/8, KDCA cũng quyết định thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại các cổng cho các chuyến bay trực tiếp từ các quốc gia có dịch bệnh và triển khai đội ngũ bác sĩ y tế công cộng tại chỗ. Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích những người có triệu chứng nhanh chóng tìm tới trợ giúp y tế.
Theo KDCA, tính đến ngày 9/8, Hàn Quốc đã báo cáo 10 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay, giảm so với 151 ca vào năm 2023. Cơ quan này lưu ý rằng tất cả các trường hợp trong năm nay đều liên quan đến nam giới từ 20-40 tuổi, với 9 ca trong nước và một ca liên quan đến du lịch nước ngoài. KDCA cũng báo cáo rằng họ có đủ nguồn cung để đối phó với bất kỳ ca mới nào, với 20.000 liều vaccine đậu mùa khỉ Jynneos và các phương pháp điều trị có sẵn cho khoảng 500 người.
Hôm 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) lần thứ hai, để đối phó với sự gia tăng số ca mắc ở Congo và các khu vực khác của châu Phi, cùng với sự xuất hiện của một biến thể mới của virus. Tuyên bố này được đưa ra 15 tháng sau khi tình trạng khẩn cấp trước đó kết thúc vào tháng 5/2023.
WHO kêu gọi các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
WHO ngày 17/8 đã kêu gọi các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này.
WHO cũng đang yêu cầu các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ quyên góp cho các quốc gia đang có dịch bệnh bùng phát.
Hai loại vaccine đậu mùa khỉ được sử dụng trong những năm gần đây là MVA-BN do hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất và LC16 của Nhật Bản. Theo bà Harris, hiện trong kho dự trữ của Bavarian Nordic đang sẵn 500.000 liều vaccine MVA-BN và hãng này có thể xuất xưởng thêm 2,4 triệu liều nếu có cam kết từ bên mua. Dự kiến, Bavarian Nordic cũng có thể sản xuất thêm 10 triệu liều trong năm 2025 khi có thỏa thuận mua-bán cụ thể.
Tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới cho rằng các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa bùng phát dịch bệnh này “cần quyên góp càng nhiều càng tốt” cho các quốc gia đang bị ảnh hưởng ở châu Phi. Tổ chức Bác sĩ không biên giới kêu gọi Bavarian Nordic giảm giá vaccine do mức giá của MVA-BN hiện nay nằm ngoài tầm với của hầu hết các quốc gia đang coi đậu mùa khỉ là hiểm họa.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) – tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới – cũng cho biết họ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề liên quan dịch đậu mùa khỉ.
CDC châu Phi báo cáo hơn 18.700 ca mắc hoặc nghi mắc đậu mùa khỉ
Ngày 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu Phi (AU) cho biết tổng cộng châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 18.737 ca nghi mắc hoặc đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm, trong đó có 1.200 ca được báo cáo chỉ trong một tuần.
Đây là số ca nghi mắc hoặc mắc 3 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có biến thể 1b mới nguy hiểm hơn và dễ lây truyền hơn. Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do biến thể này gây ra đã khiến WHO ngày 14/8 vừa qua phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) – mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đến nay, châu lục này có 3.101 ca được xác nhận mắc bệnh và 15.636 ca nghi mắc tại 12 quốc gia thành viên AU, với 541 ca tử vong (tỉ lệ tử vong là 2,89%). Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là CHDC Congo, nơi biến thể 1b được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2023.
Theo CDC châu Phi, số ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ được báo cáo ở châu lục nay từ đầu năm đến nay còn cao hơn tổng số ca của cả năm 2023 (14.383 ca). Trong tuần này, các ca mắc Mpox đầu tiên bên ngoài châu Phi cũng đã được phát hiện ở Thụy Điển và Pakistan. WHO sẽ sớm công bố các khuyến nghị đầu tiên của ủy ban khẩn cấp và mới đây đã cùng với các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine.
Mpox là một bệnh do virus gây ra, có thể lây từ động vật sang người, nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân thể gần gũi. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau nhức cơ bắp và tổn thương vùng da rộng như mụn nhọt. Biến thể 1b gây phát ban da khắp cơ thể, trong khi các biến thể trước đó gây tổn thương cục bộ quanh miệng, mặt hoặc bộ phận sinh dục. Căn bệnh này trước đây gọi là bệnh đậu mùa, được phát hiện lần đầu tiên ở người ở CHDC Congo vào năm 1970. Các biến thể dòng 1 nguy hiểm hơn đã lưu hành ở châu thổ Congo ở Trung Phi trong nhiều thập niên.