Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, nên quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng.
Vấn đề bán thuốc online, giá thuốc được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, sáng 22/10. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến.
Bán thuốc online, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Ủng hộ quy định trong dự thảo khi cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử, nhưng đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn.
Ông góp ý cần nêu rõ thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo ông, các thuốc được bán qua thương mại điện tử bao gồm thuốc không cần kê đơn và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (sổ khám bệnh và bệnh án điện tử).
Cạnh đó, nhà thuốc được bán thuốc online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định, cấp phép.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gợi ý nên bắt đầu thử nghiệm tại ngay các nhà thuốc của bệnh viện mà đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và cũng xóa bỏ được tư duy “không quản được thì cấm”.
Cũng đề cập đến việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho rằng việc này rất phù hợp với xu thế hiện nay. Song theo bà Hà, cần quy định rõ ràng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Dự thảo quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn, thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc…
“Nếu quy định như dự thảo có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và sẽ thực hiện giao dịch mua bán ở chỗ khác”, bà Hà nêu vấn đề.
Theo bà, dự thảo cần sửa đổi theo hướng “chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử” như kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Lo ngại nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường
Liên quan đến vấn đề giá thuốc, bà Hà cho hay dự luật nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.
“Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan”, bà Hà nói.
Cạnh đó, dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.
Quy định này, theo bà Hà có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.
Bà dẫn ví dụ trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.
Cũng theo bà Hà, dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.
“Câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Tôi cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc”, bà Hà nêu.
Bà nói thêm dự luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá.
Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.
Cho hay các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1500 cơ sở bán buôn, thì quy định như dự thảo tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá…, bà Hà nhận định.
Từ đó, bà đề xuất ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá với cơ sở bán lẻ thuốc.
Không quản lý giá thuốc thì như “thả gà ra đuổi”
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, nên quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng. Theo bà, chúng ta đã quản lý giá thuốc từ năm 2026, nhưng thực tế vẫn có tình trạng như báo chí phản ánh là “tăng giá vô tộ vạ”.
“Nếu không quản lý giá thuốc thì lúc đó như thả gà ra đuổi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Luật Dược 2016 đã quy định các nội dung liên quan quản lý giá thuốc bán buôn và đến nay Bộ Y tế đánh giá là “rất hiệu quả”.
Theo bà Đào Hồng Lan, khi chỉnh lý nội dung này tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, đổi thành biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến như hiện nay để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại.
“Chúng ta phải dùng giải pháp này để quản lý và giải pháp này đã được thực hiện từ 2016 tới nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và cho biết các quy định này góp phần quản lý giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định.
Qua biện pháp này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế “chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường”.
Về kinh doanh thuốc bằng hình thức thương mại điện tử, bà Lan nói, trong điều kiện hiện nay “là một điều vô cùng cần thiết”, nhưng thực tiễn cũng còn khoảng trống pháp lý.
Song thuốc là mặt hàng đặc thù, nên dự thảo luật chỉ cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thêm nữa, dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc…
“Các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử vẫn là những doanh nghiệp đang hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh, không phải chúng ta mở tung cho tất cả các loại thuốc, còn những chỗ nào sai quy định thì có các cơ quan để xử lý.
Hương Giang