Ngoài hỗ trợ học phí 100% cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông, năm học 2024 – 2025, Đà Nẵng bãi bỏ khoản thu phí vệ sinh ở tất cả trường công lập.
Vì vậy, các trường học phải sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách để hợp đồng nhân viên vệ sinh.
Bỏ thu và giãn thu
Chị Lê Quỳnh Anh có con học tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Con đi học 6 năm mà chưa năm nào đi họp phụ huynh thấy nhẹ nhàng như năm nay. Nhà trường chỉ thu 2 khoản thì có một khoản thu hộ là tiền bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm y tế phụ huynh có thể chia làm 3 lần nộp, nộp 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng/lần tùy điều kiện gia đình. Khoản thu thứ 2 là tiền in bảng tên với mức 20 nghìn đồng. Còn dịch vụ tin nhắn giáo dục với mức thu 60 nghìn thì tùy theo nhu cầu từng phụ huynh, nhà trường không thu hộ và phụ huynh tự đăng ký với đơn vị cung cấp phần mềm”.
Năm học này, học sinh Đà Nẵng tiếp tục được miễn học phí theo Nghị quyết số 50/2024 của HĐND thành phố. Theo đó, trẻ mầm non, tiểu học được miễn 95 nghìn đồng/em/tháng đối với khu vực thành thị, 35 nghìn đồng/em/tháng đối với khu vực nông thôn; mức này ở cấp THCS là 60 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị, 30 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn; cấp THPT: 70 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị, 30 nghìn đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các trường học ở Đà Nẵng dừng thực hiện nội dung khoản thu vệ sinh trong danh mục các khoản thu và mức thu theo Nghị quyết số 98/2022 của HĐND thành phố. Năm học 2023 – 2024, khoản thu này dao động từ 100 -130 nghìn đồng/học sinh/năm đối với cấp tiểu học, từ 50 – 90 nghìn đồng/học sinh/năm đối với cấp THCS.
Chị Võ Thị Thúy trú phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Tôi có 3 con là học sinh ở 3 cấp học. Chi phí các khoản đầu năm học như sách vở, áo quần, khoản thu theo quy định và tự nguyện dao động 2 – 2,5 triệu đồng. Trong đó, khoản thu cao nhất là bảo hiểm y tế thì nhà trường thông báo sẽ kéo dài thời gian thu đến cuối tháng 11. Mấy năm nay, thành phố hỗ trợ học phí nên phụ huynh giảm được phần nào chi phí đầu năm học”.
Trong khi đó, chị Trần Thị Thanh Tân trú tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), có 2 con đang ở độ tuổi tiểu học lại băn khoăn: “Các trường không thu khoản dịch vụ vệ sinh nên chúng tôi không yên tâm về khâu đảm bảo vệ sinh ở khu vực này. Tôi được biết, nhân viên vệ sinh được các trường ký hợp đồng và trả lương từ nguồn thu phí vệ sinh trường học, với mức đóng như năm trước đây là 120 nghìn”.
Trường học co kéo để đảm bảo công tác vệ sinh
Từ năm học 2023 – 2024 trở về trước, Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) hợp đồng 2 nhân viên đảm nhận công việc vệ sinh trường học, với mức lương gần 4,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, nguồn thu từ khoản vệ sinh trường học với mức thu 120 nghìn đồng/năm được dùng để chi trả cho 1,5 suất lương; 0,5 tổng số lương còn lại trích từ chi phí vệ sinh trong khoản thu phục vụ bán trú.
Cô Đỗ Thị Lệ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù không thu khoản phí dịch vụ vệ sinh, tuy nhiên, công tác vệ sinh trong các trường học vẫn phải đảm bảo. Đặc biệt ở cấp tiểu học, học sinh ở lại trường sinh hoạt và học tập cả ngày. Các em lại đang ở độ tuổi nhỏ, chỉ cần sàn nhà vệ sinh không đủ khô ráo thì rất dễ ngã. Vì vậy, chúng tôi duy trì hợp đồng với 2 nhân viên vệ sinh và trích từ ngân sách chi các hoạt động của trường để trả lương”.
Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 1.985 học sinh với 6 khu vệ sinh. Ngoài ra, còn 2 khu vệ sinh ở khu vực hiệu bộ. Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu, nhà trường hợp đồng 3 nhân viên vệ sinh với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Nếu có điều kiện thì cần 4 nhân viên vệ sinh mới đảm nhận hết mọi phần việc liên quan đến công tác vệ sinh của nhà trường. Trước đây, nguồn thu do phụ huynh đóng góp dùng để trả cho khoản chi này. Tuy nhiên, khi không thu phí vệ sinh, Trường THCS Ngô Thì Nhậm sẽ trích từ nguồn ngân sách để thanh toán.
Cũng theo thầy Phạm Thanh Bửu, nguồn ngân sách cho các khoản chi hoạt động thường xuyên đã ổn định hằng năm và không được cấp bù cho khoản dịch vụ vệ sinh. “Vì vậy, mỗi tháng, nhà trường phát sinh thêm 15 triệu đồng tiền lương nhân viên vệ sinh. Trong khi đó, trường không thể giảm các hoạt động giáo dục khác. Chúng tôi chủ trương rà soát các khoản chi như chi phí văn phòng phẩm, thực hiện tiết kiệm điện một cách hợp lý… để bù đắp cho khoản chi vệ sinh nhà trường”, thầy Bửu thông tin.
Liên quan đến quy định trên, ông Nguyễn Đức Tú Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho hay: Với những trường học có quy mô khoảng 16 lớp học trở lên ở cấp tiểu học phải có tối thiểu 2 nhân viên làm công tác vệ sinh. Khi không còn khoản thu vệ sinh trường học, ngân sách của các trường phải cấp bù từ khoảng 80 – 140 triệu đồng tùy theo số lượng nhân viên vệ sinh hợp đồng.
Để giải quyết khó khăn, các trường mong muốn được cấp bù khoản lương cho nhân viên vệ sinh hoặc có chủ trương xã hội hóa khoản thu này theo hình thức một vài cá nhân tài trợ. Hoặc có cơ chế xây dựng giá dịch vụ để các trường thực hiện khoản thu này. Có thể sẽ không thu theo hình thức cào bằng, áp dụng miễn thu cho học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, phòng GD&ĐT lưu ý các trường ngoài khoản thu theo quy định, không được tự đặt ra khoản khác để thu tiền của học sinh và cha mẹ học sinh.
Tất cả khoản thu, giá dịch vụ chỉ được thông báo chung bằng một văn bản “Thông báo các khoản thu, giá dịch vụ năm học 2024 – 2025” đưa lên trang website của trường học và thực hiện công khai theo đúng quy định. Nghiêm cấm việc đưa ra thông báo riêng để thu các khoản thu, giá dịch vụ không được phép. Đồng thời, có kế hoạch giãn thu để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh.
Hà Nguyên