Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được cấp ủy chính quyền, nhân dân xã San Thàng (thành phố Lai Châu) quan tâm, phát triển. Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc, quảng bá các nét đẹp văn hóa, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Xã San Thàng có 9 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kinh, Giáy sinh sống. Cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã những năm qua bà con các dân tộc trên địa bàn luôn gìn giữ vẻ đẹp văn hóa từ trang phục, lễ hội đến các nghề truyền thống… Từ đó, phát triển các điểm du lịch cộng đồng, vừa nâng cao thu nhập vừa quảng bá nét đẹp văn hóa tới du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, xã San Thàng chú trọng công tác khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy như: Lễ hội Tú Tỉ vào ngày 2/2, Lễ cúng “Đoong Xía” vào ngày 3/3 và 6/6 (Âm lịch). Tại lễ hội, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào được tái hiện đặc sắc thông qua các gian trưng bày không gian sinh hoạt, sản phẩm nghề truyền thống, trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động… Đồng thời diễn ra các hoạt động giao lưu phong phú như hát dân ca, nhạc cụ dân tộc, thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, giã bánh dày, thi cắt phở, đánh tó má lẹ… Thông qua hoạt động các lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về con người và những tiềm năng, thế mạnh của xã San Thàng nói riêng, tỉnh Lai Châu chung.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã San Thàng còn duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn xã. Hiện xã có 12 đội văn nghệ quần chúng với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó, nòng cốt là các đội văn nghệ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Giáy như: Đội văn nghệ của Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người Cao tuổi. Các đội văn nghệ tiên phong đi đầu trong việc tham gia các hoạt động biểu diễn tại các sự kiện không chỉ của địa phương mà còn được mời tham gia biểu diễn tại các chương trình lớn của thành phố, của tỉnh như: Ngày hội Văn hóa – Thể thao thành phố; Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, Chương trình Giao lưu Văn nghệ “Sắc màu Văn hóa” tại Chợ đêm San Thàng…
Để đạt được những thành quả này, các đội văn nghệ trên địa bàn xã luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố, phòng chuyên môn, cấp ủy, chính quyền xã trong việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch như đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, vật tư thiết bị phục vụ hoạt động. Ngoài ra, các đội văn nghệ còn được các nghệ nhân, biên đạo múa của Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố truyền dạy, hướng dẫn các điệu múa, nhạc cụ, dân ca cổ. Nhờ đó, đến nay các đội văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc Giáy có thể tự dàn dựng tiết mục múa mới mang âm hưởng dân tộc Giáy truyền thống của địa phương.
Từng bước xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, xã tiếp tục duy trì 60 cơ sở sản xuất các loại bánh truyền thống dân tộc Giáy nhằm giữ gìn bản sắc và nâng cao chất lượng sản phẩm bánh truyền thống cung cấp ra thị trường phục vụ khách tham quan mua sắm tại chợ đêm, chợ phiên và tại nhà, góp phần tăng thu nhập gắn kết việc phát triển nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trình diễn làm các loại bánh tại các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố và của xã. UBND xã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cử nhân dân tại bản du lịch San Thàng tham gia các lớp tập huấn cho cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, hướng dẫn viên, may mặc trang phục truyền thống dân tộc Giáy phục vụ cho các hoạt động phát triển du lịch. Từ năm 2022 đến nay đã đào tạo, tập huấn cho 120 học viên ở các lĩnh vực này.
Tiêu biểu năm 2016, bản du lịch San Thàng được đầu tư, xây dựng 1 nhà văn hóa với thiết kế kiến trúc đậm nét văn hóa dân tộc Giáy, khuôn viên được xây dựng tường bao hàng rào đá; khu vực cúng lễ Tú Tỉ của bản cũng được sửa sang sạch đẹp, có khu sân rộng để tổ chức các phần hội tại Lễ hội hằng năm. Năm 2023 bản còn được hỗ trợ xây dựng 1 nhà homestay, phục vụ hoạt động lưu trú cho khách du lịch có nhu cầu nghỉ lại.
Đặc biệt Chợ đêm San Thàng được đưa vào khai thác hoạt động đến nay luôn thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham quan. Từ các hoạt động này, bản giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, món ăn ẩm thực truyền thống của người Giáy. Các chương trình văn nghệ giao lưu đặc sắc được trình diễn tại đây, không chỉ của đồng bào Giáy, mà còn có sự giao lưu với các dân tộc anh em khác: Dao, Mông, Lự, Thái, Hà Nhì… đã giúp cho nhân dân trong bản San Thàng nói riêng, xã San Thàng nói chung có thu nhập ổn định, đến nay thu nhập bình quân của xã đạt 51 triệu đồng/năm, xã hiện có 24 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực từ các cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị, ban ngành thì công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc; được nhân dân các dân tộc trên địa bàn đồng tình, ủng hộ. Vì có lẽ với đồng bào các dân tộc địa phương niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất là văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình được lưu truyền, gìn giữ, được bảo tồn và phát huy đến mai sau.
Ngô Văn Giang – Đảng ủy xã San Thàng