Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đặt ra yêu cầu cần giữ gìn, bảo tồn văn hóa lịch sử truyền thống để kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Vì vậy thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản văn hóa đã được TP.Hà Nội đẩy mạnh áp dụng, mang lại những hiệu quả tích cực.
Số hóa di sản đang được đẩy mạnh triển khai tại các điểm di tích, bảo tàng trên địa bàn TP.Hà Nội đang mang đến trải nghiệm mới cho du khách, góp phần đưa di sản tiếp cận được đông đảo hơn với du khách trong và ngoài nước. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), sử dụng thao tác quét mã QR đơn giản, du khách đã có một trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các di sản, di tích trên địa bàn thành phố.
Nằm tại địa chỉ số 38 phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đình Đồng Lạc với lối kiến trúc cổ kính đã trở thành điểm đến đặc biệt giữa Thủ đô sôi động. Bước chân vào bên trong khuôn viên ngôi đình, du khách như được trở lại thời xưa cũ trầm mặc bởi lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Do nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình đã bị tàn phá và đến năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng. Cuộc trùng tu cuối cùng vào năm 2000 đã mang đến cho đình một diện mạo mới với những bia đá dựng năm 1856 vẫn còn nguyên vẹn.
Trước lối kiến trúc và lịch sử văn hoá độc đáo, đặc sắc, đình Đồng Lạc đã được Bộ Văn hóa và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 18/02/2004. Để đẩy mạnh thu hút khách du lịch cũng như người dân đến thăm quan tìm hiểu về lịch sử, công nghệ thực tế ảo đã được áp dụng tại đây. Công nghệ thực tế ảo cho du khách những cảm nhận, cái nhìn trực quan về đình một cách chân thực nhất.
Thông tin từ đại diện ban quản lý đình Đồng Lạc, ngoài công nghệ thực tế ảo, bên cạnh đó tại đình Đồng Lạc còn có những mã QR được gắn ở nhiều vị trí khác nhau, chỉ cần sử dụng điện thoạt di động thông minh hoặc thiết bị thông minh và quét mã là lịch sử, quá trình hình thành…về đình Đồng Lạc sẽ được cập nhật thông tin đầy đủ.
Bên cạnh đó, sau khi quét mã QR gắn trên tường tại đình Đồng Lạc sẽ xuất hiện đường dẫn ra trang web truyền tải cả bối cảnh của đình, chi tiết về kích thước, chiều dài, rộng… đặc biệt là phối cảnh 3D đi kèm với 3 ngôn ngữ (Anh, Việt và Trung) sẽ giúp du khách hiểu tường tận hơn về Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đình Đồng Lạc.
Ban quản lý đình Đồng Lạc chia sẻ thêm, trang web sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp với các video, âm thanh và hình ảnh 2D đem đến cho khách du lịch thông tin đầy đủ chi tiết về di tích. Đây là công trình số hoá di tích đang được UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện rộng rãi. Nhờ những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp với bản đồ đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước và quốc tế có thể tới tham quan di tích mà không cần hướng dẫn viên chỉ đường hay giới thiệu.
Không chỉ có đình Đồng Lạc, hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hoá khác cũng đẩy mạnh số hoá trong quá trình bảo tồn và quảng bá di sản. Các thành tựu của chuyển đổi số giúp đưa văn hóa nghệ thuật, di sản vào tương tác, hấp dẫn hơn với khán giả, du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã liên tục triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm, mang lại sự thuận tiện và hứng thú cho khách tham quan. Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám chuyển đổi số đã được thực hiện qua việc áp dụng vé điện tử thay thế bán vé thủ công, hệ thống trợ lý du lịch ảo sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), ứng dụng công nghệ số hoá 3D để du khách có thể tham quan ảo trên Internet, hay trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR360, tương tác với những di sản tiêu biểu và tái hiện không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám những thế kỷ trước,… Đặc biệt là chương trình trình chiếu 3D mapping về đêm kết hợp hiệu ứng ánh sáng đã thực sự mang đến một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích đến với khách tham quan, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày.
Hay tại Hoàng thành Thăng Long, Ban Quản lý cũng đã áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý; ngoài ra làng gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng nghề…
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đưa di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, là cầu nối di tích lịch sử với cộng đồng ở hiện tại. Nhiều du khách tỏ ra thích thú với những trải nghiệm mới mẻ và sự tiện dụng trong quá trình thăm quan, khám phá. Thay vì cần phải mất nhiều thời gian để chờ đợi xếp hàng mua vé, cần người hướng dẫn viên để hiểu hơn về thông tin của điểm di tích lịch sử, thì giờ đây nhờ quá trình chuyển đổi số, số hoá di sản, chỉ cần quét mã hay sử dụng công nghệ thực tế ảo…du khách đã cập nhật được đầy đủ thông tin chi tiết về điểm đến.