Trong không khí kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024), những người làm báo chúng tôi tha thiết nhớ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Nghề báo cho chúng tôi những chuyến đi, cơ hội gặp gỡ nhiều người, hiểu thêm nhiều khía cạnh của các vấn đề, đúc kết những bài học quý.
Chúng tôi thầm cảm ơn những nhân vật trong bài viết của mình. Họ là những người “cầm trịch”, cung cấp những tư liệu quý giá để tôi hoàn thành các tác phẩm, có được những niềm vui, hạnh phúc với nghề.
Đó là những doanh nhân vượt sóng gió thương trường, chị tiểu thương mua bán ở chợ, bác nông dân mưa nắng ngoài đồng, chị lao công những đêm hè, đêm đông quét rác…
Lội ruộng, băng đồng gặp bác nông dân
Hơn 10 năm làm báo, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều nông dân. Càng tiếp xúc, trao đổi nhiều, tôi càng yêu quý họ. Ở họ, có sự chất phác, đôn hậu của người nông dân xưa nay và có sự tiên tiến, hiểu biết chuyên sâu… của những nông dân thời đại mới.
Sinh ra và lớn lên ở làng quê, tình cảm gắn bó với người nông dân đã ăn sâu vào máu. Tôi luôn trăn trở khi nhiều nông dân bao ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm ra sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của hàng triệu người trong nước và còn vươn ra thế giới, tại sao họ vẫn nghèo?
Nhiều năm liền, đề tài về người nông dân đã hấp dẫn, thôi thúc chúng tôi đi tìm và gặp gỡ nhiều nông dân, ngành chức năng và các chuyên gia… nhằm trả lời cho câu hỏi: phải làm gì để nông dân ngày càng giàu lên?
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã gặp những trí thức từng mong muốn thoát khỏi cảnh làm nông, nhưng khi có trong tay tấm bằng ĐH, thạc sĩ… thì từ tình yêu và trăn trở muốn làm giàu cho mảnh đất quê, họ đã chọn quay về làm nông.
Sôi nổi với dự án cây sả quê hương, chàng trai 9x Nguyễn Hoài An (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) tâm huyết chia sẻ với chúng tôi về những dự định sắp tới, về mong muốn góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp.
Nguyễn Văn Thảo (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn) với tấm bằng thạc sĩ Công nghệ sinh học loại ưu nhưng vẫn quyết chí về quê.
Thay vì thành lập công ty như dự định ban đầu, Thảo lại chuyển hướng thành lập HTX nông nghiệp để cùng nông dân làm ăn tập thể. Anh Nguyễn Việt Bằng (xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) với tinh thần hăng say lao động, từ 2 công ruộng được cha mẹ cho, đến nay có trong tay hàng trăm công đất.
Mô hình kinh tế vườn và kinh doanh vật tư nông nghiệp đem đến cho anh lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Anh Bằng cho biết, sẽ tiếp tục vươn lên với nghề nông nên lúc nào cũng tính toán, linh hoạt sản xuất trên thửa ruộng, mảnh vườn sao cho mang lại hiệu quả”.
Bên vườn nhãn tím trĩu trái, nông dân Trương Hoàng Phương (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch xây dựng, thiết kế khu vườn nhằm khai thác du lịch, thêm điểm đến cho du khách khi về Vĩnh Long.
Anh nói “người nông dân phải biết tính toán để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng tầm giá trị cho nông sản, mới có thể giàu lên từ nghề nông”.
Nói với chúng tôi về những vui buồn, trăn trở của người dân nông thôn hôm nay và anh Phương cũng góp ý chân tình: “Báo chí thường xuyên đi thực tế, gặp gỡ bà con thì hay lắm.
Có chuyện hay hoặc có vướng mắc, trăn trở gì, bà con có thể gặp anh em báo chí để phản ánh, chia sẻ, để báo chí góp tiếng nói công bằng, trung thực, khách quan…”.
Có thể nói, chính sự tin tưởng của những người nông dân, của người dân, những độc giả… như anh Phương đã giúp cánh nhà báo chúng tôi có thêm động lực để làm nghề.
Với chúng tôi, có được niềm tin yêu đó chính là hạnh phúc!
Báo chí không thể tách rời đời sống
Một ngày, nhân vật trong bài viết cho chúng tôi hay sắp ra Thủ đô Hà Nội dự tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc. Năm khác, lại có nông dân đi dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi toàn quốc, chúng tôi vui lây niềm vui của họ.
Càng vui hơn khi biết, công việc làm ăn của họ ngày càng phát triển đi lên. Có nghĩa, những nông dân thời đại mới đang tích cực cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Bên cạnh người nông dân, chúng tôi cũng thực hiện những bài viết về những công nhân thông cống, quét đường, lấy rác… Giây phút hình ảnh các anh nhân công hì hục dưới cống thoát nước hiện lên trên sân khấu lễ trao giải Báo chí Tài nguyên và Môi trường, tôi thật sự xúc động. Xúc động vì hình ảnh, sự vất vả với nghề của các anh được tôn vinh.
Tôi nhớ như in cuộc gặp gỡ với các anh thuộc Tổ Thoát nước đô thị vào dịp cuối năm, trời rất lạnh, hì hục hụp sâu đến cổ để nạo vét các hố ga bên đường, quần áo ướt rồi khô, khô rồi lại ướt.
Nhớ như in cuộc trò chuyện đêm trăng với những người trực máy bơm, sẵn sàng nhảy xuống cống lạnh ngắt lúc nửa đêm để điều đậy nắp cống, chống ngập cho thành phố. Nhớ như in lần đi công tác nửa đêm băng ra đường để tìm gặp người quét rác.
Băng qua những cung đường vắng lặng, nghe tiếng chổi khua đều đặn rớt vào đêm, chúng tôi thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn của “người lao công những đêm hè, đêm đông giá rét”…
Quá trình thực hiện loạt bài viết giúp chúng tôi thêm yêu quý họ, thấm thía công việc của mỗi người có những vất vả riêng và đều xứng đáng được trân trọng. Và còn rất nhiều những nhân vật đã đi vào tác phẩm, cho chúng tôi những trang viết mang hơi thở cuộc sống, thấm đẫm chất liệu đời.
Những người làm báo chúng tôi hay nói với nhau, làm báo được đi là hạnh phúc. Một đồng nghiệp nói vui, lâu không đi thấy mình như lạc hậu, xa rời thực tế, thiếu đề tài.
Còn sau mỗi chuyến đi, lại thấy mình giàu lên hẳn. Cho nên, cái chân cứ muốn đi, để được mắt thấy, tai nghe, để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc… Và cái sự đi đó trong đời làm báo là không giới hạn.
Đi để đến với Nhân dân, để hòa vào cuộc sống lớn lao của đất nước, như khát vọng mà Chế Lan Viên đã thể hiện trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”:
“Con gặp lại Nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa…”
Thật vậy, văn nghệ sĩ phải hòa mình vào cái ta chung. Báo chí càng không thể tách rời đời sống, người làm báo luôn phải đi vào đời sống, lặn ngụp trong đời sống để… mang đến những tác phẩm báo chí nóng hổi tính thời sự, mang hơi thở của thời đại.
Nhiều ý kiến cho rằng, người làm báo hôm nay “có những thuận lợi chưa từng có nhưng thách thức cũng rất lớn”, nhưng dù ở thời đại nào, vẫn luôn khắc cốt ghi tâm những lời Bác dạy: báo chí phải mang tính quần chúng và tinh thần chiến đấu, báo chí để phục vụ Nhân dân.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, hiện có 353 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh. Thời gian qua, không xảy ra trường hợp hội viên hoặc nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí. Được sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đề tài có hiệu quả xã hội cao hoặc đáp ứng tốt yêu cầu tuyên truyền, mỗi cán bộ, viên chức và hội viên luôn không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong công tác, đặc biệt là nâng cao chất lượng tuyên truyền. Từ năm 2019-2023, Báo Vĩnh Long và Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã có 11 tác phẩm đạt Giải Báo chí quốc gia và 95 tác phẩm đạt giải báo chí chuyên ngành Trung ương, trong đó có nhiều tác phẩm đạt Giải Báo chí về xây dựng Đảng, Giải Báo chí Diên Hồng, Giải Báo chí về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Kết quả này đã phản ánh rõ nét về chất lượng tuyên truyền và là sự phấn đấu của các cơ quan báo chí tỉnh nhà.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN