Để thành phố khỏe mạnh, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, đề nghị TPHCM cần có những giải pháp hiệu quả để thành phố hấp thụ được nguồn vốn đầu tư công và tư.
Chiều 1-7, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Kinh tế TPHCM tăng trưởng 6,46%
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) ước tăng 6,46%. Một số ngành, lĩnh vực tăng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ, như khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,5%, dịch vụ tăng 7,26%.
Đây là những điểm sáng trong phát triển kinh tế của TPHCM. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đang có dấu hiệu suy giảm. Đây là thách thức lớn cho 6 tháng tiếp theo.
Cụ thể, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phân tích, chỉ số công nghiệp tuy có tăng hơn quý trước nhưng so với cả nước thì vẫn thấp hơn. Đặc biệt, ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột chính của thành phố lại có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung của ngành.
Nhìn vào 6 tháng qua, xu hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các tỉnh và TPHCM có tăng nhưng không hấp thụ được dòng vốn đó thành các công trình cụ thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc trong các dự án cụ thể. TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá, đây là vấn đề rất lớn, vừa mất sức cho việc đi thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề để ra dự án nhưng không triển khai được dự án và tiền vốn không phát huy được.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Phước Hưng cũng thông tin, qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với tỷ lệ 57,1%, tăng hơn 6% so với quý 1. Tuy nhiên số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng 30,4%. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34% và số dư nợ tăng mức 42%.
Ông Nguyễn Phước Hưng cho rằng, nguồn vốn luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần đảm bảo. Tuy nhiên, với các khó khăn kéo dài khiến sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền.
Từ đó, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giữ lãi vay, cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây. Cùng với đó, tập trung cải cách hành chính, đầu tư mạnh mẽ các công trình trọng điểm.
Bồi bổ “sức khỏe” cho TPHCM
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội phân tích, sức khỏe doanh nghiệp của cả nước chứ không riêng của TPHCM đang có dấu hiệu đuối sức, tăng trưởng chậm. Cho nên, TPHCM cần quan tâm hơn đến chính sách kích cầu nội địa, thúc đẩy du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh.
TS Trần Du Lịch đề nghị TPHCM cần có những giải pháp hiệu quả để thành phố hấp thụ được nguồn vốn đầu tư công và tư. Ông cũng đề nghị, TPHCM cần tập trung chương trình chỉnh trang đô thị, nhà ở.
Ngành xây dựng thành phố kỳ vọng rất nhiều, trong khi quý 1 tăng 7,92% nhưng quý 2 chỉ còn 4,1%. Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng nhận định, một trong những nguyên nhân liên quan là do tiến độ giải ngân của thành phố chậm, không đạt kế hoạch đặt ra. Tính đến cuối tháng 6, giải ngân của thành phố chỉ đạt 13,8% kế hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ở cấp địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết, TP Thủ Đức đã triển khai rà soát, đánh giá các quỹ nhà, đất công có tiềm năng thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn. TP Thủ Đức đã gửi UBND TPHCM đề xuất danh mục các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao – văn hoá để trình HĐND TPHCM thông qua.
UBND TP Thủ Đức cũng đã tiếp nhận 50 dự án đề nghị chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đến nay, đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 6 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn với tổng vốn đề xuất là 6.860 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TS Trần Du Lịch nhận xét, TPHCM còn gặp khó khăn trong triển khai các chính sách tạo động lực, huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… Trong đó, các dự án cụ thể liên quan đến nhóm chính sách này chưa đi vào cuộc sống.
Cùng góp ý về vấn đề này, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu TPHCM nhận định, năm trước, Nghị quyết 98 là “hải đăng” của thành phố để các vấn đề kinh tế – xã hội thúc đẩy theo.
Tuy nhiên sang năm nay, “hải đăng” của thành phố là 2 quy hoạch của thành phố. Và đây là “kim chỉ nam” để TPHCM dựa trên quy hoạch tháo gỡ các dự án, công trình, góp phần tạo động lực, khí thế mới. Bên cạnh đó, TPHCM cần tập trung mạnh vào chương trình, dự án làm được và mạnh dạn để sang một bên các chương trình, dự án dù tốn công sức, nỗ lực hết sức nhưng khó làm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường:
Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương
Vừa qua, TPHCM đã rà soát lại và đang tiến hành triển khai các dự án nhưng có chậm. TPHCM đã phân cấp, ủy quyền cho các địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 và 1/500 để tháo gỡ khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư công.
Đối với các dự án đầu tư công đang triển khai cũng bị vướng về quy hoạch không gian ngầm. Sở QH-KT, Sở Xây dựng rà soát báo cáo để TPHCM xem xét cho chủ trương tháo gỡ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng:
Tập trung tăng nguồn thu ngân sách
Tình hình kinh tế sắp tới dự báo còn nhiều khó khăn, cho nên từ đây đến cuối năm, TPHCM tập trung các giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tập trung bình ổn thị trường để chuẩn bị cho năm học mới và dịp tết.
Cùng với đó, UBND TPHCM cùng với các sở ngành hoàn chỉnh các nhiệm vụ, đề án lớn như: Trung tâm Tài chính quốc tế, Sàn giao dịch hàng hóa, Đề án phát triển Logistics, Chiến lược phát triển du lịch TPHCM.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung:
Kiểm soát giá cả tăng khi lương tăng
Từ ngày 1-7, lương cơ sở tăng 30%, cho nên TPHCM quan tâm và có giải pháp cụ thể trong việc kiểm soát giá cả tăng. Đồng thời, quan tâm triển khai các công trình, dự án chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong đó, TPHCM cần quan tâm đến những công trình, dự án phục vụ nâng cao chất lượng sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong bối cảnh khó khăn chung, TPHCM chúng ta nỗ lực, chăm chút triển khai các hoạt động mang tính nhân ái thì đây là điều rất quý, như: dự án phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở chăm sóc sức khỏe người dân; chương trình khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi…
Thu Hường – Văn Minh