TMO – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Kạn, qua báo cáo của các địa phương và kiểm tra của cơ quan chức năng, đã có 143,5ha rừng vầu và ngô bị châu chấu tre lưng vàng gây hại.
Cụ thể, tại xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn) và xã Cư Lễ (huyện Na Rì), châu chấu tre lưng vàng giai đoạn tuổi 4 -5 và trưởng thành gây hại trên rừng vầu và ngô giai đoạn trỗ cờ (thâm râu) với tổng diện tích 143,5 ha. Trong số đó, diện tích ngô bị hại 7,5 ha (tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn 7 ha; xã Cư Lễ, huyện Na Rì 0,5 ha). Mật độ châu chấu tre lưng vàng phổ biến từ 60 con đến 80 con/m2, nơi cao từ 150 con đến 200 con/m2, cục bộ có nơi trên 300 con/m2.
Dự báo trong thời gian tới, châu chấu tiếp tục di chuyển và tập trung thành đàn lớn. Trước diễn biến châu chấu tre lưng vàng gây hại, các huyện đang tích cực kiểm tra, chỉ đạo, tuyên truyền các hộ dân tiến hành phun trừ để bảo vệ cây trồng, tránh châu chấu phát tán ra diện rộng.
Tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi hướng di chuyển của châu chấu để có phương án phòng trừ kịp thời. Tuyên truyền tới các vùng tiếp giáp có nguy cơ cao bị châu chấu tre lưng vàng tấn công, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Các địa phương khuyến khích thành lập các tổ, huy động các hộ có diện tích ngô trong khu vực tiến hành phun tập trung (đồng loạt), phun bao vây xung quanh, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt châu chấu, tránh phát tán ra diện rộng.
Khoảng cuối tháng 6 tới đầu tháng 7, châu chấu chuyển sang giai đoạn trưởng thành, có khả năng bay và di chuyển trên diện rộng nên rất khó theo dõi và phòng trừ. Dự báo châu chấu sẽ tiếp tục phát tán và gây hại trên diện rộng nếu không chủ động phòng trừ kịp thời. Do vậy, Sở NN&PTNT Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương vận động người dân theo dõi hướng di chuyển của châu chấu, xác định vị trí châu chấu đẻ trứng (vào tháng 9, 10) để có kế hoạch theo dõi, phòng trừ lứa mới phát sinh trong năm tiếp theo.
Được biết, cùng thời điểm này năm 2023, dịch châu chấu tre cũng xuất hiện tại tỉnh Bắc Kạn và gây thiệt hại khoảng 80ha diện tích rừng, vầu, tre và hoa màu của người dân.
Thế Nam