Với người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) thì “Tết rừng” (còn gọi là lễ cúng Thần rừng) có từ khi tổ tiên của họ di cư đến đây lập bản, lập làng. Theo truyền thống, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” để cùng tổ chức “Tết rừng”. Đây không chỉ là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh cầu phúc mà còn góp phần thiết thực vào việc bảo vệ rừng.

Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Lễ vật dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống – mái, một con lợn đen, rượu, hương và giấy bản. Lợn đen được giao cho hai chàng trai và hai cô gái khiêng từ Ủy ban Nhân dân xã Nà Hẩu lên khu rừng cấm. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía khấn mời thần linh chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi…

Thầy cúng Giàng A Sềnh, xã Nà Hẩu chia sẻ: Sau “Tết rừng”, các bản, làng của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc… Đây là dịp để người Mông ở Nà Hẩu ăn “Tết rừng”, thắt chặt tình đoàn kết với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Theo Tuấn Anh