Đây là tín hiệu vui với nhiều người lao động không theo hợp đồng lao động.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện).
Nhiều bất cập với NLĐ tự do
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 33 triệu lao động tự do, chiếm hơn 50% tổng số việc làm. Con số này là một bức tranh chân thực về vai trò quan trọng của nhóm lao động này trong đảm bảo cuộc sống và phát triển kinh tế của đất nước. Họ góp phần không thể thiếu đối với đời sống kinh tế của nhiều gia đình, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội.
Mặc dù vậy, lực lượng lao động tự do vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Họ thường không được bảo vệ bởi luật lao động, có thu nhập thấp và ít quyền lợi trong quá trình thương lượng về điều kiện làm việc dẫn đến nhiều thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. An toàn trong lao động cho nhóm lao động này cũng chưa được đảm bảo, đặc biệt là với những người không tham gia bảo hiểm xã hội.
Nguyễn Đức Huy (20 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, ngoài thời gian học trên trường, Huy thường đi làm xe ôm công nghệ vì công việc này có thể chủ động được thời gian vì giờ giấc làm việc linh hoạt.
Huy cho biết: “Làm rồi mới biết công việc này vất vả lắm. Em là sinh viên, chạy xe để có thêm đồng ra đồng vào để trang trải chi phí sinh hoạt thôi chứ nghề này không làm lâu dài được bởi ngày ngày phơi mặt ngoài đường, rủi ro luôn rình rập… Rủi ro nhìn thấy được là tai nạn giao thông, chưa kể chạy ban đêm ở nhiều khu vực còn sợ gặp phải cướp. Mà hãng xe thì họ coi ký hợp đồng đối tác chứ không phải thuê mình như một NLĐ nên chẳng có trách nhiệm đóng bảo hiểm hay chi trả nếu xảy ra rủi ro, dù vẫn trừ thuế phí trên từng cuốc xe”.
Đối với một số tài xế xe ôm công nghệ, việc chạy xe công nghệ chỉ là công việc tạm thời, làm thêm ngoài giờ. Nhưng cũng có không ít người coi đây là công việc chính, lâu dài, là nguồn thu nhập chăm lo cho cả gia đình.
Ông Nguyễn Văn Trình (54 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có gần 20 làm các công việc tự do như thợ xây, phụ hồ và hiện nay là xe ôm công nghệ. Người làm những công việc này nhìn chung được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc song lại không thuộc những đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn và rủi ro cho NLĐ nếu không may gặp sự cố về sức khỏe hoặc bị tai nạn.
“Hiện nay tôi làm xe ôm công nghệ, sáng bắt đầu chạy xe từ 6 giờ, trưa nắng mệt quá thì nghỉ khoảng 1 tiếng rồi lại chạy tiếp đến 7 giờ tối. Tôi gần như không có ngày nghỉ vì nghỉ hôm nào thì mất luôn thu nhập hôm đó, nên cho dù nắng mưa thế nào cũng phải cố làm vài cuốc”, ông Trình chia sẻ.
Khi được hỏi về việc đóng bảo hiểm xã hội, ông Trình thẳng thắn cho biết rất mong muốn được trích khoản thu nhập để đóng đề phòng rủi ro. Bởi hiện nay, điều đáng lo nhất là nếu chẳng may bị ngã xe hay gặp tai nạn thì các tài xế phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả mọi chi phí, phía hãng xe không có hỗ trợ.
“Nếu có bảo hiểm cho những NLĐ tự do như chúng tôi thì cũng bớt khó khăn khi đau ốm hay lúc không may gặp sự cố trên đường. Đó là còn chưa dám nghĩ tới lúc không đủ sức khoẻ để làm công việc chạy xe được nữa thì phải làm thế nào, đâu ai khỏe mãi được?”, ông Trình bày tỏ sự trăn trở.
Cơ hội được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động
Thấu hiểu nỗi lòng những NLĐ tự do, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Nghị định quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp tai nạn lao động. Cụ thể điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là khi NLĐ bị tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc làm các nghề, công việc theo thời gian và nơi làm việc đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Bên cạnh đó, NLĐ sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, trừ các trường hợp: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, NLĐ bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
Ngoài ra, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian NLĐ đóng phí bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động. Nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Trường hợp NLĐ không may bị chết do tai nạn lao động; chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động; chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng IV. Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.