TMO – Tỉnh An Giang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ngành hàng cá tra An Giang chiếm đến 60% thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN và sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa chiếm 10% thị trường vào năm 2025.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.224ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm, với 399 cơ sở nuôi, sản lượng từ 500.000 – 600.000 tấn/năm. Đặc biệt, có 27 cơ sở, vùng nuôi (hơn 382ha), 379 ao cá tra cung cấp nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là những vùng nguyên liệu được kiểm soát, đáp ứng đầy đủ quy định của Chương trình kiểm soát sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (theo Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT).
Thời gian qua, chương trình giống cá tra 3 cấp được tỉnh triển khai tích cực, nhiều chương trình, dự án được thực hiện, giúp phát triển ngành hàng cá tra của tỉnh theo hướng bền vững. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra diện tích cá giống thu hoạch đạt 1.486ha. Dù chỉ bằng 97,7% so năm 2022, nhưng sản lượng con giống khoảng 1,8 tỷ con, tăng 100 triệu con. Tổng số cá bố mẹ hiện khoảng 92.946 con (đang sinh sản 32.000 con, còn lại là hậu bị), tổng công suất thiết kế 18 tỷ bột/năm. Về năng lực ương dưỡng, diện tích mặt nước ương giống là 766ha, với 639 cơ sở ương dưỡng, năng lực cung cấp khoảng 2 – 3 tỷ con cá hương, cá giống.
Toàn tỉnh hiện có trên 313 ha diện tích nuôi cá tra đạt các chứng nhận các tiêu chuẩn nhận quốc tế như: ASC, BAP, Global GAP và VietGAP, với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm 25,6% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Trong đó diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn ASC, BAP và chứng nhận khác với diện tích trên 252 ha; diện tích nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 61,1 ha.
Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất cá tra giống của Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển các mô hình nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tỉnh tăng diện tích sản xuất liên kết giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Diện tích nuôi cá tra tập trung tại An Giang ổn định từ 1.500 – 1.600 ha tập trung ở 4 địa phương như: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Long Xuyên; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70% và 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.
Thành lập ít nhất 1 hợp tác xã cá tra; xây dựng 1 chuỗi liên kết cá tra giống theo hướng chất lượng cao và 1 chuỗi liên kết cá tra thương phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tỉnh cũng tập trung xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang”; trong đó, tỉnh tập trung nghiên cứu, nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống thủy sản để đảm bảo năng lực cung ứng giống cá tra cấp vùng; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết cá tra giống giữa các hộ ương giống với Công ty cổ phần Cá tra Việt Úc, Công Ty cổ phần Vĩnh Hoàn,…
Đến năm 2030, An Giang nâng diện tích nuôi thương phẩm cá tra đạt 1.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 500.000 tấn, giá trị sản xuất cá tra thương phẩm đạt trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 5 – 8%, chiếm 80% giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu đáp, với sản lượng tiêu thụ được liên kết là 500.000 tấn/năm.
Đồng thời, thành lập thêm ít nhất 1 hợp tác xã cá tra; thu hút, mời gọi ít nhất 2 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tham gia đầu tư xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng đảm bảo 90% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP hoặc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh An Giang cho biết, giai đoạn 2024 – 2025 An Giang sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức theo hướng hình thành các vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và người nuôi; tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân về giống, kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sử dụng con giống giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao giúp giảm chi phí đầu vào nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thất thoát trong quá trình nuôi. Xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, sự liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và người dân; tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân về giống, kỹ thuật, trong đó chú ý đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng con giống đạt chất lượng cao tại địa phương.
Dự kiến diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt 1.500-1.600 ha đến năm 2025 tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, thành phố Long Xuyên…; phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; diện tích nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.
Xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”. Trong đó, nghiên cứu củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống Thủy sản để đảm bảo năng lực cung ứng giống cá tra cấp vùng, đồng thời, chủ động nguồn giống bố mẹ, xử lý và quản lý tốt nguồn nước, điều kiện môitrường, tăng tỷ lệ sống của cá bột đảm bảo giá thành cạnh tranh, bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản tiềm năng khác có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh toàn đực, lươn đồng,…
Xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc và ASEAN với thị phần chiếm từ 50% – 60%. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường nội địa, phấn đấu đến năm 2025 đạt 8% – 10%. Đầu tư phát triển các hình thức sản xuất nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị, theo sản xuất thủy sản kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản. Khuyến khích tập trung đầu tư lĩnh vực nghiên cứu khoa học xây dựng công thức thức ăn cho một số loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu phát triển men vi sinh, chế phẩm sinh học, sản phẩm nguồn gốc thảo dược để phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh và khu vực ĐBCSL.
Ngọc Minh