Kỳ thi tuyển sinh đại học y quốc gia tại Ấn Độ bị nghi ngờ rò rỉ đề, gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh đạt điểm cao bất thường.
Vụ gian lận gây ảnh hưởng đến 3 triệu thí sinh tham dự kỳ thi này.
Những con số bất thường
Kỳ thi tuyển sinh đại học y quốc gia (NEET-UG) là “cánh cửa” vào các trường y khoa công lập dành cho thí sinh Ấn Độ. Kỳ thi được tổ chức bởi Cơ quan Khảo thí Quốc gia (NTA), trực thuộc Bộ Giáo dục Ấn Độ. Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức nhiều kỳ thi tuyển sinh chung khác như kỳ thi tuyển sinh đại học công nghệ quốc gia (NIT).
NEET gồm ba môn thi Vật lý, Sinh học và Hóa học với tổng số 180 câu hỏi trắc nghiệm. Kỳ thi năm nay diễn ra vào ngày 5/5, được tổ chức tại hơn 4,5 nghìn cơ sở trên cả nước và công bố kết quả ngày 4/6.
Mỗi năm, hàng triệu thí sinh tham gia NEET nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ trúng tuyển vào các trường y công lập. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm cao trong năm nay tăng bất thường khiến những thí sinh đạt điểm tốt nếu so với các năm trước khó có thể trúng tuyển.
Cụ thể, 67 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 720, con số cao chưa từng có. Năm ngoái, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối là 2. Hai năm trước, điểm cao nhất kỳ thi là 715 điểm. Năm nay, thí sinh đạt số điểm này xếp thứ 225 toàn quốc. Năm 2023, 304 thí sinh đạt từ 700 điểm trở lên, còn năm nay, con số tăng lên là 2.100.
Từ năm 2016, khi NEET trở thành kỳ thi tuyển sinh chung cho các trường y, chỉ có 1 – 3 thí sinh đạt điểm tuyệt đối mỗi năm, thậm chí nhiều năm không thí sinh nào đạt điểm cao như vậy. Năm nay, số lượng thí sinh đạt điểm từ 650 – 680 cũng tăng đáng kể, làm tăng mức độ cạnh tranh vào các trường y hàng đầu cả nước.
Ngay sau đó, hàng loạt cáo buộc xung quanh đề thi đã được đưa ra, từ sai sót trong đề thi, chấm điểm sai, rò rỉ đề thi và gian lận. Cụ thể, hơn 1.500 thí sinh được cho là được cộng điểm thi vì tác động ngoại cảnh như thu bài sớm. Một câu hỏi trong đề Vật lý có 2 đáp án đúng. Đáng chú ý, 50/67 thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhờ câu hỏi 2 đáp án này.
Học sinh, phụ huynh trên toàn quốc đã gửi đơn kiến nghị đến NTA yêu cầu tổ chức lại kỳ thi. Sự việc ước tính gây thiệt hại hàng triệu USD. Nhiều thí sinh đã tập trung tại Toà án Tối cao, toà án cấp cao các bang để tổ chức biểu tình dưới cái nóng thiêu đốt và tổ chức các chiến dịch trên mạng xã hội. Họ yêu cầu thực hiện các cuộc điều tra độc lập và tổ chức thi lại.
Lời giải thích không thỏa đáng
Các quan chức NTA đã bác bỏ cáo buộc rò rỉ đề thi. Họ giải thích rằng một số thí sinh được giám khảo cộng điểm theo quyết định riêng của họ. Bên cạnh đó, NTA cho rằng số điểm cao tăng lên là do số lượng thí sinh tăng gần 300 nghìn so với năm 2023.
Song Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Ấn Độ, ông Dharmendra Pradhan cho biết cơ quan này đã phát hiện “một số sai phạm” ở nhiều trung tâm khảo thí. Ông tuyên bố sẽ không bỏ qua cho bất cứ ai, kể cả quan chức NTA, vì đã để xảy ra tình trạng trên.
“Rò rỉ đề thi là lỗi của NTA. Chúng tôi chắc chắn sẽ tổ chức một uỷ ban cải cách và hành động. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về tính minh bạch. Phúc lợi của sinh viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Dharmendra nhấn mạnh.
Ngày 1/6, nhà hoạt động tự do Vivek Pandey đã giúp 10 thí sinh nộp đơn kiến nghị lên Toà án Tối cao Ấn Độ. Họ mong muốn được thi lại NEET và cáo buộc rò rỉ đề thi tại các điểm thi ở Patna, thủ phủ bang Bihar.
Cảnh sát bang Bihar đã mở cuộc điều tra và bắt giữ hơn 20 người, trong đó có 13 sinh viên, liên quan đến vụ rò rỉ đề thi. Những người này khai nhận đã tiết lộ đề thi cho 30 thí sinh một ngày trước kì thi để đổi lấy hàng trăm nghìn rupee.
Bên cạnh đó, NEET còn đối mặt với cáo buộc gian lận. Cụ thể, cảnh sát đã bắt giữ 3 người ở Delhi và 6 người ở Rajasthan vì cáo buộc thi hộ. Tại bang Gujarat, cánh sát đã bắt giữ 5 người vì cáo buộc liên quan đến âm mưu gian lận tại một trung tâm khảo thí ở Godhra.
Đến ngày 19/6, Chính quyền Tổng thống Narendra Modi thông báo huỷ bỏ kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia (NET), kỳ thi chọn ra ứng viên nhận học bổng nghiên cứu do chính phủ tài trợ. Quyết định trên được cho là do những vấn đề thi cử nghiêm trọng xảy ra gần đây.
Tương lai không chắc chắn
Là thí sinh đạt 650 điểm, Surbhi Sharma, 23 tuổi, cho rằng tình trạng rò rỉ đề thi, vốn xuất hiện tràn lan ở Ấn Độ, là nguyên nhân gây ra biến động về điểm số. Nữ sinh lưu ý rằng dù có sự gia tăng đáng kể về số thí sinh đạt điểm cao (trong phạm vi điểm 650 – 680), nhưng không có sự gia tăng tương tự ở số thí sinh đạt điểm trung bình (610 – 640 điểm).
“Các quan chức NTA nói rằng nhiều thí sinh đạt điểm cao hơn vì đề thi năm nay dễ hơn. Nhưng nếu đúng như vậy, lẽ ra mọi người làm tốt như nhau chứ không phải chỉ một bộ phận thí sinh”, Surbhi nói.
Với Pratibha, 19 tuổi, kết quả của kỳ thi này đặt dấu chấm hết cho giấc mơ vào trường y. Nữ sinh đạt một điểm số tương đối cao so với các năm trước đây nhưng năm nay, kết quả này không thể trúng tuyển các trường công lập.
“Từ nhỏ, tôi đã ước mơ được mặc chiếc áo trắng bác sĩ nhưng giờ đây, mọi nỗ lực của tôi đều lãng phí. Tôi đạt điểm cao nhưng cách xa khả năng trúng tuyển trường công. Gia đình tôi không đủ khả năng cho tôi học trường tư”, Pratibha nói.
Vấn đề của NEET xảy ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nghi vấn xoay quanh việc tổ chức các kỳ thi cạnh tranh tại Ấn Độ. Hàng năm, hàng nghìn học sinh Ấn Độ đổ xô đến các trung tâm luyện thi tư nhân ở Kota, bang Rajasthan.
Nhiều trung tâm tuyên bố, họ biết những mánh khoé để đưa học sinh vào trường kỹ thuật hoặc y tế hàng đầu. Người đứng đầu một cơ quan y tế có uy tín tại Ấn Độ cho biết: “Chúng ta đã biến hệ thống giáo dục thành một nồi áp suất và nó đã bùng nổ suốt một thời gian. Việc quản lý các kỳ thi yếu kém gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh”.
Vết xe đổ
Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ xảy ra gian lận thi cử, nhất là trong giáo dục y khoa. Vụ gian lận thi cử tai tiếng nhất lịch sử Ấn Độ cũng nằm trong lĩnh vực này. Vào giai đoạn cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, nhiều người Ấn Độ nhận thấy trong kỳ thi tuyển sinh vào trường y hàng năm, tốp 10 thí sinh đạt điểm cao nhất luôn là con cháu giới quan chức. Nhiều nhân chứng đứng lên tố cáo nhưng đều qua đời bất thường.
Cho đến tháng 7/2015, vụ gian lận thi cử này mới được hé lộ và đặt tên là vụ lừa đảo Vyapam, đặt theo tên của văn phòng thi tuyển việc làm của chính quyền bang Madhya Pradesh.
Trong nhiều năm, hàng nghìn người đã hối lộ hàng triệu USD cho các hội đồng giáo dục để xin điểm, nâng điểm cho con cái trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường y công lập. Ngoài ra, họ sẽ thuê người thi hộ con cái và hối lộ để các hội đồng tuyển sinh “nhắm mắt làm ngơ”.
Nhờ vậy, những thí sinh này luôn đạt điểm cao bất thường, giành suất vào những trường y được xem là ước mơ của hàng triệu học sinh Ấn Độ. Vì thời gian vụ việc diễn ra kéo dài, nhiều sinh viên Ấn Độ đã ra trường, tốt nghiệp và hành nghề. Như vậy, hàng nghìn người đã sử dụng bằng cấp gian lận.
Đứng đằng sau vụ bê bối Vyapam là bác sĩ Jagdish Sagar. Trong nhiều năm, người này điều hành một tổ chức kinh doanh dịch vụ thi hộ. Cụ thể, Sagar tuyển chọn các sinh viên nghèo, học giỏi làm bài thi vào trường y thay cho thí sinh nhà giàu, học dốt. Người thi hộ được trả 500 – 700 USD dù Sagar đút túi gần 300.000 USD.
Khi đã giàu có, ông ta bành trướng hoạt động bằng cách liên kết với quan chức cấp trung sau đó là cấp cao trong chính phủ như người đứng đầu ngành giáo dục bang, chủ tịch hội đồng tổ chức kỳ thi. Nhờ đó, ông ta không cần thuê sinh viên nghèo làm bài thi hộ mà trực tiếp sửa kết quả thi.
Những thí sinh đến từ các gia đình đã chi tiền hối lộ chỉ cần học thuộc đáp án của 5 câu hỏi và để trống phần bài thi còn lại. Các quan chức giáo dục thuộc phe Sagar sau đó sẽ chỉ đạo cấp dưới bổ sung đáp án. Hành vi này khó bị phát hiện so với việc thuê người làm bài hộ nhưng người nhà thí sinh phải trả tiền cao hơn.
Điều đáng nói, Sagar chỉ là một trong hàng trăm kẻ môi giới các kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Ấn Độ thời điểm đó. Số quan chức chính phủ có dính líu đến những đường dây này là “không thể đếm xuể”. Hơn 600 sinh viên y khoa đã bị đuổi học.
Năm 2024, 2,4 triệu thí sinh tham gia kỳ thi NEET với chỉ tiêu là 110 nghìn. Trong đó, các trường y công lập là 50 – 60 nghìn, còn lại là chỉ tiêu của các trường tư thục. Điều này đồng nghĩa chỉ những thí sinh đạt điểm cao nhất mới có cơ hội trúng tuyển vào trường công. Sở dĩ, sinh viên Ấn Độ đổ xô vào các trường y công lập vì lý do tài chính. Chương trình Cử nhân Y khoa và Cử nhân Phẫu thuật (MBBS) 5 năm ở trường công có học phí từ 500 nghìn đến một triệu rupee, trong khi các trường tư thục có thể tính phí cao hơn gấp 10 lần.