Từng chỉ là công việc tay trái, livestream (phát sóng trực tiếp) giờ đây trở thành ngành nghề chính giúp nhiều người trẻ thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Xu hướng này khiến không ít người quyết định từ bỏ công việc văn phòng ổn định để dấn thân vào lĩnh vực livestream, bất chấp những rủi ro và cạnh tranh khốc liệt.

Từng chỉ là một công cụ giải trí trên mạng xã hội, livestream giờ đây đã trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, tạo ra doanh thu khổng lồ.
Theo thống kê của TikTok Shop Việt Nam, năm 2022 ghi nhận doanh thu 3% thị phần thương mại điện tử, năm 2023 tăng khoảng 80% so với năm 2022. Cho đến năm 2024, doanh thu từ livestream bán hàng đã tăng hơn 153% so với năm trước. Các nền tảng như Shoppe Live, Lazada Live, Facebook Live và TikTok Live trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng nghìn người trẻ thử sức với công việc streamer bán hàng.
Lướt một vòng trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đang say sưa giới thiệu sản phẩm, từ thời trang, mỹ phẩm đến đồ ăn, thậm chí cả xe ô tô hay bất động sản. Những phiên megalive (livestream quy mô lớn) đạt doanh thu hàng tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều, thúc đẩy không ít người từ bỏ công việc văn phòng để dấn thân vào lĩnh vực này.
Từ bỏ công việc ổn định
Chị Lê Huyền Thu (29 tuổi, Hà Nội) từng có công việc kinh doanh ổn định với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến bạn bè livestream có thể kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng, chị bắt đầu suy nghĩ lại về con đường sự nghiệp của mình.
“Quyết định nghỉ việc không dễ dàng, bởi công việc văn phòng mang lại sự ổn định, có bảo hiểm, lương đều đặn. Nhưng tôi muốn thử sức với livestream. Sau hai năm kiên trì, hiện tại kênh bán quần áo của tôi đạt doanh số hàng tỷ đồng/tháng, một phiên live kéo dài 8 tiếng có thể mang về hơn 70 triệu đồng,” chị Thu chia sẻ.
Tuy nhiên, con đường để đạt được thành công không hề dễ dàng. Những người mới bắt đầu thường gặp vô số trở ngại: Lượt xem ít ỏi, doanh số bấp bênh, hàng tồn đọng nhiều, thậm chí phải gánh nợ. Không ít người nghĩ rằng chỉ cần lên livestream trò chuyện là có thể bán hàng, nhưng thực tế, họ phải nghiên cứu kỹ, đầu tư nội dung, hình ảnh để thu hút khách hàng. “Có những ngày nói đến khàn giọng mà không chốt được bao nhiêu đơn”, chị Thu thừa nhận.
Livestream mở ra cơ hội kiếm tiền lớn, nhưng cũng có tỷ lệ đào thải cao. Anh Nguyễn Văn Tùng, quản lý một công ty chuyên đào tạo livestream bán hàng, cho biết: “Chúng tôi liên tục tuyển thực tập sinh, nhưng thực tế, nhiều bạn chỉ livestream 1-2 buổi là nản. Lên sóng chỉ có 5-10 người xem, nói mãi không ai mua hàng, đọc bình luận tiêu cực… rất dễ khiến các bạn bỏ cuộc”.
Ngay cả những streamer đã có kinh nghiệm cũng không thể dừng lại. Họ phải liên tục cập nhật xu hướng, học cách tối ưu thuật toán, đổi mới kịch bản để giữ chân người xem.
Chị Thu thừa nhận: “Tôi làm nghề này 3 năm, nhưng vẫn phải theo sát từng thay đổi nhỏ của thuật toán, cập nhật các trend trên TikTok từng giây. Nếu không, chỉ sau một tháng là kênh mất tương tác, doanh thu tụt dốc ngay.”
Khó khăn đằng sau ánh hào quang
Trái với suy nghĩ đơn giản rằng “chỉ cần lên live nói chuyện là có tiền”, thực tế cho thấy livestream bán hàng là một cuộc chơi khắc nghiệt, không phải ai cũng trụ vững.
Phương Thảo, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính, từng thử sức với công việc thực tập sinh livestream nhưng chỉ cầm cự được một tháng trước khi bỏ cuộc. “Ban đầu em nghĩ cứ nói lớn, tạo không khí sôi động là có đơn ngay. Nhưng khi làm thật thì mới thấy không đơn giản chút nào. Có hôm em nói đến khản giọng, livestream cả buổi mà chỉ chốt được hai đơn, cảm giác chán nản vô cùng”, Thảo chia sẻ.

Không chỉ đối mặt với doanh số bấp bênh, nhiều streamer còn chịu áp lực từ khách hàng và những rủi ro khó lường. Tình trạng “bom hàng” – khách đặt nhưng không nhận – không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người bán. Một số streamer còn bị công kích bằng những bình luận tiêu cực, thậm chí bị bôi nhọ trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân.
Cường độ làm việc liên tục khiến nhiều streamer rơi vào tình trạng kiệt sức. Những phiên livestream kéo dài hàng tiếng đồng hồ, đặc biệt trong các dịp cao điểm như lễ, Tết hay sale lớn, khiến nhịp sinh học của họ bị đảo lộn.
Ngoài ra, khâu vận hành cũng là một bài toán khó. Việc quản lý nguồn hàng, xử lý đơn hoàn, đơn hủy do khách “bom hàng” là vấn đề nan giải đối với các đơn vị kinh doanh online.
Áp lực doanh số càng trở nên nặng nề hơn với những streamer hợp tác cùng nhãn hàng. Không ít người phải ký hợp đồng cam kết đạt một mức doanh số nhất định. Nếu không đạt, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng hoặc phải bồi thường. Để chạy đua doanh số, nhiều streamer buộc phải đổ tiền vào quảng cáo, giảm giá mạnh để kích cầu. Tuy nhiên, chi phí quá cao khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn: doanh số tăng nhưng lợi nhuận không đủ bù chi phí, thậm chí thua lỗ.
Anh Đào Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Motaro, đơn vị đang giữ vị trí thứ hai về doanh số livestream mảng tã bỉm trên thị trường – chia sẻ: “Một buổi livestream thành công không chỉ đơn giản là bật máy và nói. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc chọn sản phẩm phù hợp, cách tương tác lôi cuốn, duy trì năng lượng suốt nhiều giờ đến áp dụng chiến thuật chốt đơn hiệu quả”.
Đằng sau mỗi phiên livestream đạt doanh số cao là cả một hệ thống vận hành bài bản. Từ khâu quản lý đơn hàng, tạo ưu đãi hấp dẫn, chạy quảng cáo, xây dựng nội dung video, đăng ký voucher trên các sàn thương mại điện tử… tất cả đều đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, nhiều công ty không chỉ tuyển dụng người livestream mà còn đào tạo bài bản từ kỹ năng nói chuyện, cách dẫn dắt kịch bản, quản lý đơn hàng đến phân tích dữ liệu khách hàng.
Bên cạnh đó, thuật toán của các nền tảng liên tục thay đổi, buộc streamer phải nhanh chóng thích nghi. Người làm livestream cần liên tục đổi mới, xây dựng thương hiệu cá nhân và có chiến lược kinh doanh rõ ràng.
“Thành công trong livestream không phải là chuyện may rủi, mà là sự kết hợp giữa chiến lược bài bản, khả năng sáng tạo và sự bền bỉ. Nếu không sẵn sàng đầu tư cả thời gian lẫn công sức, rất khó để đạt được kết quả như mong muốn,” anh Tuấn khẳng định.
Không thể phủ nhận rằng livestream đã trở thành một cơ hội làm giàu hấp dẫn, đặc biệt với những người trẻ năng động, nhưng không phải là con đường dành cho những ai thiếu kiên trì. Sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực duy trì tương tác, rủi ro về doanh số và những biến động không ngừng của thị trường khiến nghề này trở thành một thử thách thực sự. Nếu không sẵn sàng thích nghi và nỗ lực mỗi ngày, rất khó để có thể trụ vững và đạt được thành công lâu dài.
Hoàng Hiệp – Lê Linh