Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một số ca bệnh sởi ở tuổi 35–46 với biểu hiện sốt cao, ho, phát ban, thậm chí suy hô hấp cấp phải can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

Điển hình, trường hợp bệnh nhân L.T.S (42 tuổi, ở Yên Bái), khi nằm viện sau mổ sỏi mật tại cơ sở y tế thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, phát ban, ho, đau rát họng, viêm phổi, nghi ngờ mắc sởi có biến chứng.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được điều trị tích cực, hỗ trợ thở oxy. Hiện, ban sởi đã bay gần hết. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân cũng đã cắt sốt, tình trạng sức khỏe dần ổn định.
Một bệnh nhân khác (35 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện sau khi xuất hiện sốt, ho và tiêu chảy nhiều lần trong gần 1 tuần. Ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán sốt virus và được kê thuốc uống tại nhà.
Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, các triệu chứng ngày càng nặng thêm, đặc biệt là đau họng dữ dội, không ăn uống được. Bệnh nhân có truyền dịch tại nhà. Một ngày sau, xuất hiện ban toàn thân, nghi ngờ sốt xuất huyết nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng đường ruột với biểu hiện sốt cao, ho khan, ban đỏ toàn thân, mắt sung huyết, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Bệnh nhân N.X.V (46 tuổi, ở Nghệ An) cũng khởi phát sốt cao, ho, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Sau ba ngày tự điều trị tại nhà không thuyên giảm, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Tại đây, tình trạng hô hấp xấu đi nhanh chóng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sởi biến chứng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, tuy nhiên độ bão hòa oxy trong máu rất thấp. Trước diễn biến nguy kịch, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và ngay lập tức được chỉ định ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ).
Bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương, Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân mắc sởi biến chứng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển là một biến chứng nguy hiểm của sởi. Nếu không được can thiệp kịp thời, ARDS có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương, bệnh sởi thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày. Biểu hiện chủ yếu của thời kỳ này là sốt và viêm long. Người bệnh có biểu hiện giống cảm cúm như sốt, ho, chảy mũi, hắt hơi, đỏ mắt, tiêu chảy. Giai đoạn này rất dễ lây lan nhưng khó nhận biết vì chưa xuất hiện ban.
Giai đoạn phát ban (hay thời kỳ sởi mọc): Ban sởi xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu từ sau tai, gáy sau đó xuất hiện vùng trán, má. Tiếp theo, ban mọc lan dần xuống toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ, thân và tứ chi. Người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi.
Giai đoạn lui bệnh (hay thời kỳ ban bay): ban mờ dần, để lại vết thâm trên da trước khi hồi phục hoàn toàn. Nguy cơ lây nhiễm và tầm quan trọng của tiêm chủng.
Người chưa tiêm vaccine hoặc không nhớ đã mắc sởi nên tiêm vaccine
Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, việc tiêm đủ hai mũi vaccine sởi là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Người từng mắc sởi hoặc từng tiêm vaccine sẽ có miễn dich suốt đời.