Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran cách không xa mục tiêu sở hữu bom nguyên tử.

Tờ Le Monde dẫn tuyên bố của người đứng đầu IAEA Rafael Grossi khi ông này đang có chuyến thăm Tehran từ ngày 16 và 17 tháng 4, ông lưu ý rằng IAEA nên tham gia vào mọi cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.
“Mặc dù Iran có đủ vật liệu để chế tạo không chỉ một mà là nhiều quả bom, nhưng họ vẫn chưa có vũ khí hạt nhân… Nhưng phải thừa nhận rằng họ không còn xa mục tiêu đó nữa. Trong bốn năm qua, chúng ta đã thấy Iran tăng tốc rất đều đặn trong lĩnh vực này”, ông Rafael Grossi nói.
Ông Grossi ví việc phát triển vũ khí hạt nhân như trò chơi xếp hình, trong đó Iran “sở hữu các mảnh ghép và cuối cùng họ có thể ghép chúng lại với nhau vào một ngày nào đó rất gần”.
Vị lãnh đạo của IAEA đã đến Iran hôm 16 tháng 4 để hội đàm với các quan chức cấp cao của Tehran, trong đó có Ngoại trưởng Abbas Araghchi và người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Iran Mohammad Eslami.
Chuyến thăm Iran của người đứng đầu IAEA diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ do Oman làm trung gian.
Vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 12 tháng 4 tại Muscat, nơi mà theo những người tham gia, cuộc họp diễn ra trong bầu không khí xây dựng và bình tĩnh.
Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Iran, vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 19 tháng 4 tại Oman.
Ông Grossi lưu ý rằng IAEA không thể đứng ngoài cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran, vì nếu không có sự chấp thuận của cơ quan này thì “bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ là tờ giấy lộn”.
“Chúng tôi không tham gia vào cuộc đối thoại song phương này giữa ông Araghchi và ông Witkoff, nhưng chúng tôi không thờ ơ với nó. Họ biết rất rõ rằng chúng tôi sẽ phải bày tỏ quan điểm của mình về mọi thỏa thuận tiềm năng, vì chúng tôi sẽ phải kiểm tra nó.
Do đó, chúng tôi đã có các cuộc đàm phán không chính thức với họ. Nhưng ngay khi một văn bản có các điều khoản cụ thể xuất hiện, chúng tôi sẽ bày tỏ quan điểm của mình về các điều kiện của nó và phạm vi kiểm tra phải được thực hiện”, ông Grossi nói.
Cũng theo ông Grossi, Mỹ quan tâm đến một thỏa thuận “nhẹ nhàng”, không có nhiều chi tiết kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng chặt chẽ hơn thỏa thuận năm 2015. Đồng thời, theo ông Grossi, việc châu Âu bị loại khỏi các cuộc đàm phán là hoàn toàn dễ hiểu.
“Ngày nay, nhóm các quốc gia đã ký kết thỏa thuận năm 2015 đang rất phân cực; rõ ràng là điều này không còn hiệu quả nữa. Những diễn biến quốc tế đã thay đổi vai trò của các bên liên quan khác nhau và khả năng tác động của họ đến tiến trình hạt nhân hiện tại của Iran.
Mục tiêu cuối cùng là hòa bình, tránh chiến tranh và ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Grossi nói, đồng thời lưu ý thêm rằng Nga và Trung Quốc không còn coi EU là bên trung lập nữa.
Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. IAEA được giao nhiệm vụ giám sát việc Iran tuân thủ JCPOA.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân và tăng cường làm giàu uranium.
Ngày 14 tháng 4, ông Trump tuyên bố rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ sẽ cân nhắc “một biện pháp rất quyết liệt” nếu cần thiết.
Một ngày sau, Steve Witkoff, đặc phái viên về Trung Đông của ông Trump, nói Iran phải dừng hoàn toàn chương trình làm giàu uranium trong bất kỳ thỏa thuận hạt nhân tiềm năng nào.
Ngoại trưởng Iran Araqchi hôm 16 tháng 4 phản hồi bình luận của ông Witkoff, khẳng định quyền làm giàu uranium của Tehran là “không thể thương lượng”.