Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 diễn ra tại TPHCM góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết tới bạn bè quốc tế; khẳng định với cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Khoảng 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 với chủ đề “Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 6 – 8/5 tới tại TPHCM.
Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc.
Đại lễ được tổ chức nhân dịp đất nước ta kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025). Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước ta năm 2025.
Chỉ 8 năm sau ngày Liên Hợp quốc công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế, Việt Nam đã đăng cai tổ chức sự kiện này lần đầu vào năm 2014. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của nước ta trên diễn đàn Phật giáo quốc tế mà còn góp phần lan tỏa tinh thần Phật giáo Việt Nam.
Là thành viên của Liên Hợp quốc và là nước có Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, năm 2025, Việt Nam lần thứ tư vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Đây là sự ghi nhận của Liên Hợp quốc đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, sự kiện lớn này thêm một lần nữa khẳng định đường lối phát triển tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Sẽ có khoảng 2.700 đại biểu khách mời dự Đại lễ Vesak 2025, trong đó đại biểu quốc tế khoảng 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: quan chức lãnh đạo cơ quan của Liên Hợp Quốc; Nguyên thủ một số quốc gia và các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội và TPHCM; các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ trí thức Phật giáo trên thế giới…).
Khẳng định với quốc tế về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) là đơn vị thường trực, đầu mối giữa Tổ công tác liên ngành Đại lễ Vesak 2025 với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai, tổ chức thành công Đại lễ.
“Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất”, ông Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, Đại lễ còn có năm chủ đề phụ là: Nuôi dưỡng hòa bình nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo bằng hành động: trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Theo đó, Đại lễ Vesak 2025 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa – học thuật – tâm linh đặc sắc. Trong đó có lễ rước và tôn trí Xá lợi Phật từ Ấn Độ, chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, lễ hội hoa đăng, triển lãm văn hóa Phật giáo, hội chợ giao lưu quốc tế và chương trình nghệ thuật Phật giáo các nước. Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế của Vesak Liên hợp quốc 2025 vào ngày 7/5.

Để chuẩn bị cho sự kiện, TPHCM đã huy động hơn 6.000 phật tử, 1.000 tăng ni sinh, 550 sinh viên tình nguyện và hàng nghìn người dân tham gia phục vụ công tác đón tiếp, an ninh, hậu cần, truyền thông.
Nhiều điểm du lịch tâm linh, văn hóa như chùa Giác Ngộ, chùa Hoằng Pháp, bảo tháp Xá Lợi, địa đạo Củ Chi… cũng sẽ được giới thiệu trong các chương trình đại lễ nhằm quảng bá di sản văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của TPHCM đến bạn bè quốc tế.
Thông qua các nội dung chương trình, hội thảo khoa học, hoạt động văn hóa, xã hội kể trên của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TPHCM, bạn bè quốc tế càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc. Tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, những đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong thành quả thống nhất đất nước qua hình ảnh Xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí chiêm bái tại Đại lễ Vesak năm nay.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được xem là hoạt động rất tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đường lối đối ngoại nhân dân. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.
Tại Đại lễ, Tuyên bố Vesak TPHCM sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Thông qua Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, bạn bè quốc tế càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc. Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Lễ Phật đản Vesak được tổ chức vào ngày rằm tháng Tư âm lịch hằng năm. Năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Vesak là ngày lễ hội tôn giáo thế giới, khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo đối với nhân loại.
Ngày nay, Vesak không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà còn là một sự kiện văn hóa – tâm linh có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, Đại lễ Vesak thường được tổ chức long trọng tại các chùa lớn như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Hồ Chí Minh), thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và du khách.
Không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, Vesak còn là dịp để mỗi người tự nhìn lại bản thân, sống thiện lành hơn và biết trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Trước đó, Việt Nam từng 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (2014) và tại Hà Nam (2019).
Thành Công