(Chinhphu.vn) – Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), Đại sứ quán Việt Nam, bà con kiều bào tại các nước tổ chức nhiều hoạt động, thể hiện tình cảm sâu sắc đối với Bác.
Ngày 17/5, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Campuchia, Đảng bộ tại Campuchia trang trọng tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh
Buổi lễ do Bí thư Đảng ủy, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên thuộc các tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị trực thuộc và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia và đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia.
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, Đảng bộ tại Campuchia kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là năm thứ 4 đất nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đúng vào dịp hai nước Việt Nam-Campuchia đang hướng đến Kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 – 24/6/2024).
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng thuộc Đảng bộ tại Campuchia, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bà con cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia ra sức phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2024 trên tất cả các mặt.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia chủ động và tích cực vươn lên nhiều hơn nữa, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo ra những bước đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Lưu ý bà con cộng đồng gốc Việt tại Campuchia cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau không ngừng vươn lên trong cuộc sống, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, chủ động tìm cách tự chăm lo cho cuộc sống của mình, chấp hành nghiêm túc luật pháp của nước sở tại, một lòng hướng về quê hương đất nước, Đại sứ kêu gọi “mỗi bà con phải trở thành một nhịp cầu vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Campuchia.”
Ký ức đẹp về những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức một số hoạt động tưởng nhớ Người.
Một trong những hoạt động nổi bật là chuyến thăm của đoàn công tác Đại sứ quán tới gia đình ông Lê Đức Dương, người đã vinh dự được gặp Bác Hồ hai lần. Với ông Dương, hiện đang sinh sống tại thành phố Hoppegarten, bang Brandenburg, những ký ức đẹp và lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đi theo ông suốt những năm tháng, hành trình sinh sống, học tập và làm việc tại Đức, nơi mà ông coi là quê thương thứ hai.
Trong câu chuyện với Đại sứ Vũ Quang Minh, ông Lê Đức Dương đã bồi hồi kể lại câu chuyện về những lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên là vào một buổi sáng tháng 8/1955, thời điểm ông Dương đang chuẩn bị đi du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Chuyến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch, với những câu chuyện và lời căn dặn, luôn in đậm trong tâm trí của cậu học sinh xa nhà.
Ông Dương bày tỏ rằng, đối với mỗi người Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Bác Hồ, dù chỉ một lần trong đời, nhưng đối với ông, niềm hạnh phúc đó lại được nhân đôi khi sau 2 năm học tập tại Moritzburg, bang Sachsen, ông lại được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Người tới CHDC Đức, theo lời mời của Chủ tịch CHDC Đức khi ấy là Wilhelm Pieck.
Khi Bác đến thăm trường Kathe Kollwitz, nơi ông Dương cùng khoảng 350 học sinh từ 9-15 tuổi được gửi sang học tập từ năm 1955, Bác Hồ một lần nữa căn dặn: “Các cháu cứ yên tâm học tập, chăm ngoan, để sau này trở thành người có ích, giúp xây dựng nước nhà”.
Gần 70 năm đã trôi qua kể từ lần gặp Bác đầu tiên, ông Dương và những người bạn cùng học thời đó vẫn mang theo mình hành trang với lời căn dặn của Bác. Ông chia sẻ: “Tôi và các bạn có thể tự hào khi nói rằng đã làm được một trong những lời dạy của Bác, đó là học thật tốt và làm việc thật tốt”.
Sau khóa học nghề về nước năm 1962, ông Dương tiếp tục học tập và thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông trở lại CHDC Đức học Đại học Kỹ thuật Magdeburg (1965-1970), sau đó trở về nước làm việc gần 20 năm tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Cho đến sau này, khi trở lại CHDC Đức vào cuối năm 1988, dù làm việc ở bất cứ đâu, trên cương vị công tác nào, lời căn dặn ngày ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và theo ông Lê Đức Dương đến tận bây giờ. Khi đó, Bác nói: “Người Đức có một đức tính tốt là kỷ luật lao động và đúng giờ, các cháu sang Đức phải học được đức tính đó”.
* Tiếp đó, ngày 17/5, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở Đại sứ quán. Tham dự có Đại sứ Vũ Quang Minh, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức, cùng đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán.
Tu nghiệp sinh tại Israel noi gương Bác hướng về Tổ quốc
Ngày 16/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phối hợp với Trung tâm đào tạo nông nghiệp quốc tế (Agrostudies) tổ chức lễ kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).
Buổi lễ có sự tham gia của khoảng 90 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập tại trung tâm; các giáo viên và ban điều hành Trung tâm; cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Israel; đại diện ban liên lạc Hội người Việt Nam tại Israel.
Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng xem phim tư liệu về vị anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Nói chuyện với các tu nghiệp sinh, Đại sứ Lý Đức Trung cho rằng đây là dịp để thế hệ trẻ nghĩ về Bác, tỏ lòng biết ơn tới công lao to lớn vì dân, vì nước của Người. Mỗi tu nghiệp sinh không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ học tập, mà còn phải phát huy vai trò là những “đại sứ” quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với các bạn bè quốc tế.
Giám đốc điều hành Agrostudies, ông Yaron Tamir cho biết các tu nghiệp sinh Việt Nam thông minh, năng động và có tinh thần ham học hỏi. Các sinh viên đều mong muốn mang những kinh nghiệm và kiến thức học tập tại Israel để về áp dụng ở trong nước.
Agrostudies là một trong 4 trung tâm đào tạo về nông nghiệp của Israel có các tu nghiệp sinh Việt Nam đang theo học. Chương trình đào tạo dựa trên phương pháp “học qua thực hành”, bao gồm một buổi học trên lớp về lý thuyết và các ngày còn lại trong tuần tiếp cận với thực tế công việc tại các trang trại khác nhau, phù hợp với chuyên ngành theo học của các tu nghiệp sinh.
Vượt hơn 400 km đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiều 16/5, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, Trung Lào đã diễn ra lễ dâng hương kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) để tưởng nhớ công đức của Người đối với nhân dân và dân tộc hai nước Việt Nam – Lào.
Tham dự sự kiện có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sanvannakhet; đại diện chính quyền tỉnh Khammouane; đại diện Tổng hội người Việt Nam tại Lào; các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; cùng nhiều bà con người Việt đang làm ăn sinh sống tại nhiều tỉnh thành của Lào…
Trong không khí trang nghiêm, các đoàn đại biểu đã lần lượt dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Vừa cẩn thận xếp những chiếc bánh gai còn nóng hổi lên Ban thờ Bác Hồ, chị Nguyễn Thị Hà, một Việt kiều sinh ra và lớn lên tại bản Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, chia sẻ năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này là chị lại tất bật tự tay chuẩn bị gói những chiếc bánh gai mang đậm hương vị quê hương và chuẩn bị hương, hoa, và trái cây tươi để đem đến Khu di tích Xiengvang dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Theo chị Hà, đây là việc mà bà con tại bản Xiengvang nói chung và chị nói riêng năm nào cũng làm để tri ân công ơn to lớn của Bác Hồ, người đã hy sinh cả cuộc đời cho nền độc lập và tự do của dân tộc.
Xúc động khẽ cắm nén hương lên Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu Di tích, bà Hoàng Thị Hoa, một Việt kiều sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn cho biết năm nào cũng vậy, cứ đến dịp sinh nhật Bác, bà lại vượt hơn 400 km từ thủ đô Viêng Chăn xuống Khu tưởng niệm Bác Hồ để cùng với bà con kiều bào tại Lào tự tay dâng hương, dâng hoa để tưởng nhớ tới công ơn vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc. Đây cũng là dịp để những người con sống xa Tổ quốc như bà được báo công với Bác, nguyện hứa với Bác sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác.
Ngay sau lễ dâng hương, các đại biểu cùng bà con đã vào thăm phòng Truyền thống trong khu lưu niệm. Đây là công trình hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; nơi ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, nhằm tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây cũng là địa chỉ du lịch tôn kính, quan trọng về lịch sử, văn hóa của tỉnh Khammouane nói riêng và của Lào nói chung.
Lễ đặt hoa tại công viên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Havana, Cuba
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) và Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba đã tổ chức lễ đặt hoa tại công viên mang tên Người ở thủ đô Havana.
Tới dự buổi lễ kỷ niệm có Anh hùng Cộng hòa Cuba Fernando González Llort, Chủ tịch ICAP; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Văn Tiến đang thăm chính thức Cuba; ông Lê Quang Long, Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Cuba, đại diện nhiều ban, ngành, các tổ chức xã hội – quần chúng nước bạn, cán bộ, thành viên cộng đồng Việt Nam đang sống và làm việc tại Cuba, cùng đông đảo người dân địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Lê Quang Long nhấn mạnh: “Khát vọng tự do, độc lập của mỗi dân tộc và tư tưởng tiến bộ của các nhà lãnh đạo lịch sử của mỗi dân tộc chính là nền tảng vững chắc để hai nước Việt Nam và Cuba vun đắp một tình hữu nghị thủy chung, son sắt, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam Ruvislei González Sáez khẳng định, tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX – vẫn sống mãi trong tim 100 triệu người Việt Nam và tất cả các nhà cách mạng trên thế giới.
Ông González Sáez ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người có tầm vóc phổ quát, nhà cách mạng vĩ đại đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp tốt đẹp nhất của Việt Nam và nhân loại, một con người rất đỗi lớn lao nhưng cũng rất đỗi khiêm nhường.
Học giả Cuba cho biết, ICAP, Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam và Đại học Havana mong muốn nghiên cứu sâu hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy những di sản của Người trong kỷ nguyên mới.
Ông González Sáez bày tỏ tin tưởng các thế hệ tương lai của hai nước sẽ kế tục những giá trị trường tồn đó, đưa hai đất nước phát triển trong hòa bình và hướng tới chủ nghĩa xã hội, cũng như tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết anh em đặc biệt giữa hai dân tộc.
Tại buổi lễ, các em học sinh tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc khu vực Công viên Hồ Chí Minh đã trình bày những bài hát, bài thơ và điệu múa mang hình ảnh đặc trưng Việt Nam, ca ngợi Bác Hồ, cũng như sự nghiệp cách mạng và tình đoàn kết đặc biệt của nhân dân hai nước.
Báo chí Argentina ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/5, báo chí Argentina đã có bài viết ca ngợi cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người.
Tờ Reporte Asia đăng bài viết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của các thế lực phương Tây.
Với tiêu đề “Cuộc đời và di sản của Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng Việt Nam”, bài viết nhấn mạnh di sản mà Bác Hồ để lại là một biểu tượng vượt xa giới hạn lịch sử và có ảnh hưởng sâu sắc đến những thay đổi chính trị và xã hội ở Đông Á trong nửa sau thế kỷ XX.
Bài báo điểm lại những thời khắc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tại châu Âu, đặc biệt là thời gian tại Pháp, Người tham gia tích cực trong các phong trào xã hội chống chủ nghĩa thực dân. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng hình thành tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh viết khi đó, Người luôn thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
Cùng ngày, tờ Resumen Latinoamericano cũng đăng bài viết nhấn mạnh về thời khắc mang tính quyết định khi Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930. Tờ báo bình luận việc thành lập một đảng chính trị đại diện cho lợi ích của gia cấp công nhân và người dân Việt Nam cho thấy Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng và chiến lược gia tài giỏi.
Trong bài viết dưới tiêu đề “Hồ Chí Minh, con người mà cả thế giới đều biết đến”, báo điện tử Đài phát thanh quốc gia Argentina viết, trước khi Bác Hồ mất vào tháng 9/1969, Người đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù chiến tranh kéo dài đến năm 1975 nhưng đối với dân tộc Việt Nam, ông là nhà kiến trúc sư vĩ đại cho nền độc lập, giải phóng và thống nhất đất nước.
Từ ngày Bác Hồ đi xa cho đến khi dân tộc Việt Nam hoàn toàn chiến thắng quân xâm lược, ngày 30/4/1975, trong lòng các chiến sĩ Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng luôn vang câu nói: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.